Saturday, November 12, 2022

Chúa Nhật Tuần XXXIII Thường Niên – Năm C –13-11-2022 – Kính Trọng Thể Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam – Thánh An-rê Dũng Lạc và Các Bạn Tử Đạo

CN XXXIII TN

Rô-ma 8:35-39

35Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô?  Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? 36 Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. 37 Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. 38 Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, 39trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.

(Trích Thư Rô-ma, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay Giáo hội Việt Nam mừng kính trọng thể Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.  Trong sổ bộ các thánh hiện nay, Giáo hội chỉ có 118 thánh tử đạo Việt Nam, nhưng trong lịch sử Giáo hội Việt Nam, chắc chắn, con số các thánh tử đạo còn hiều hơn thế nữa.  Bởi biết bao nhiêu vị đã tử đạo, nhưng không có sổ sách ghi lại, không được ai biết đến để phong thánh.  Hôm nay, Giáo hội Việt Nam mừng kính các thánh anh hùng tử đạo Việt Nam, nhưng ngày lễ này có ý nghĩa gì đối với tôi?  Có phải mừng lễ này để chỉ tự hào với thế giới rằng, Việt Nam chúng tôi đã có đến 118 vị đã anh dũng dám chết vì đạo?  Có phải mong mừng lễ này, để tôi mặc những phẩm phục hoặc đồng phục và được đi trong đoàn rước long trọng?  Có phải mừng lễ này, để xin các thánh tử đạo Việt Nam cầu bầu cùng Chúa cho Giáo hội, cho đất nước, cho gia đình và cho tôi?  Nếu mừng lễ các thánh tử đạo Việt Nam chỉ vì những ý này, dù là không sai, nhưng chưa đủ, chưa đi vào ý nghĩa đích thực của ngày lễ.  Bởi chưa thấy việc các thánh đó anh dũng tử đạo có liên hệ mật thiết hay ảnh hưởng gì đến với đời sống đức tin của tôi hôm nay; tệ hơn nữa, tôi chỉ thấy các ngài anh dũng và các ngài được phúc tử đạo vì đã sống ngay thời có những cuộc bách hại đạo, còn tôi thì không, bởi ngày nay đâu có cảnh bắt đạo và cấm đạo đến đầu rơi máu chảy nữa đâu!  Không!  Nhân việc mừng lễ các thánh tử đạo Việt Nam, tôi muốn suy niệm về hai chữ “tử đạo.”  “Tử đạo” được dịch từ chữ “martys” trong tiếng Hy-lạp, có nghĩa là “làm chứng”.  Các thánh tử đạo ngày xưa đã anh dũng làm chứng cho đức tin trước mặt các quan quyền, dù có phải chết cũng quyết không chối bỏ đức tin mà họ làm chứng.  Hiểu rõ nguồn gốc của hai chữ “tử đạo”, tôi có thể gọi ngày hôm nay là: Lễ Kính Các Thánh Chứng Nhân Đức Tin Việt Nam.  Cách gọi này có thể giúp tôi thấy có một sự liên hệ rất gần giữa tôi với các ngài, dù cho họ có sống cách tôi bao lâu đi nữa, và dù hoàn cảnh sống đức tin của họ có khác hoàn cảnh sống đức tin của tôi thế nào đi nữa.  Bởi nếu nói thánh tử đạo, thì chỉ có một thời nào đó, và tôi, có thể, sẽ chẳng bao giờ có cơ hội thành thánh tử đạo, nhưng nếu nói thánh chứng nhân, thì thời nào cũng có, hoàn cảnh nào cũng có, và tôi cũng có thể trở thành thánh chứng nhân giữa lòng đời hôm nay.  Nếu các thánh mà tôi mừng lễ hôm nay đã là những chứng nhân đức tin năm xưa, sẵn sàng chết cho lời chứng của họ, tôi có đang là chứng nhân đức tin hôm nay, sẵn sàng chết cho lời chứng đức tin của tôi?  Hôm nay, tôi long trọng mừng lễ các thánh chứng nhân đức tin Việt Nam, tôi muốn làm chứng như thế nào, ở những nơi nào và với những ai trong đời sống đức tin của tôi hôm nay?  Tôi cùng bàn chuyện này với Chúa và với các chứng nhân đức tin Việt Nam. 

2.     Bài đọc hôm nay từ Thánh Phao-lô tuyệt đẹp và thật mạnh mẽ.  Tôi đọc lại bài đọc thật chậm và nhiều lần để những lời của thánh nhân tiếp sức tôi, giúp tôi mạnh mẽ sống đời chứng nhân đức tin hôm nay.  Đối với Thánh Phao-lô, ngài quả quyết, không có bất cứ ai và bất cứ sự gì, dù đó là sự sống hay sự chết, thiên thần hay ma quỷ, hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào có thể tách ngài ra khỏi Chúa Kitô.  Tôi cũng thấy như vậy đối với tôi?  Đời sống thánh thiện hay tội lỗi, bận rộn hay an nhàn, khỏe mạnh hay bệnh tật, giầu có hay nghèo túng, đời sống yên bình hay đầy giao tranh xáo trộn, đời sống hiền lương hay gian manh quỷ quyệt quanh tôi có đang tách tôi ra khỏi Chúa Kitô?  Tôi dám nói mạnh như Thánh Phao-lô?  Tôi sẽ làm mọi cách để không gì, không ai có thể tách tôi khỏi Chúa Kitô, đây chính là cách tôi có thể làm chứng cho đức tin và tôi cũng có cơ hội trở thành thánh chứng nhân đức tin giữa lòng đời hôm nay.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Đức Tin Sắt Son và Bài Ca Ngàn Trùng,” do Angelo Band và Ca Đoàn Mai Tâm trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=EeISQ0TyIQI

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment