Mát-thêu 4:18-22
18Khi ấy, Đức Giê-su đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em
kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng
chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 19 Người bảo
các ông: “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới
người như lưới cá.” 20 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà
theo Người. 21 Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con
ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê
vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các
ông. 22 Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo
Người.
(Trích Phúc âm
Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Hôm nay Giáo hội tạm ngưng
những bài đọc theo chủ đề của Mùa Vọng, để mời gọi tôi cầu nguyện theo bài đọc của
ngày lễ kính Thánh An-rê Tông đồ. Dẫu
thế, tôi cũng vẫn có thể tìm thấy sự liên hệ giữa bài đọc này với tinh thần của
Mùa Vọng. Bài đọc hôm nay kể lại biến cố
Chúa Giêsu tìm người cộng tác với công việc của Ngài. Trước hết, tôi để ý đến bối cảnh của các môn
đệ đầu tiên khi Ngài gọi họ, đó là: giữa đời thường, giữa những công việc bận rộn
hàng ngày, không một ai đang rảnh rỗi hoặc đang trong khung cảnh cầu nguyện trong
nhà thờ. Chúa Giêsu đến ngay những lúc
họ đang rất bận rộn với gia đình và sự nghiệp của họ và gọi họ. Có lẽ không một thời gian nào bận rộn nhiều cho
bằng những ngày này trong năm, khi mà năm hết tết đến, biết bao nhiêu thứ phải
tính sổ, phải lo, phải chuẩn bị cho những mua sắm, sửa sang, tiệc tùng và quà
cáp. Có thể chăng, giữa những bận rộn
của tôi hôm nay, Chúa Giêsu cũng đến và gọi tôi theo Ngài? Tôi nhận biết không? Tôi nghe thấy không? Tôi dám theo Ngài như các môn đệ năm xưa? Chắc chắn, Chúa Giêsu không đòi tôi phải rũ
áo đi tu, bán hết tài sản chia cho người nghèo, rồi lang thang đầu đường xó chợ
rao giảng lời Chúa cho mọi người.
Không. Theo Chúa Giêsu không chỉ
là đi tu, nhưng là tìm thấy và cộng tác với Ngài giữa những bề bộn của cuộc
sống quanh tôi. Theo Chúa Giêsu là biết
đặt đúng những giá trị ưu tiên trong cuộc sống; trong đó, những giá trị Nước
Trời phải chiếm vị thế ưu việt. Các môn
đệ dù đang bận rộn với gia đình và sự nghiệp, họ đã nhận ra và chọn, phải thật
sự bận rộn và ưu tiên nhất cho công việc của Chúa. Tôi có thể làm được như họ không? Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu về những gì
đang xảy ra trong tôi.
2.
Một người nào đó đã nói: “Trong
việc tạo dựng tôi, Chúa không cần hỏi ý tôi; nhưng trong việc cứu độ tôi, Ngài
cần có tôi cộng tác.” Câu này thật
thích hợp với ý nghĩa của bài đọc hôm nay.
Chúa Giêsu đi tìm sự cộng tác của con người để cứu độ con người và bao lâu nay Ngài
mỏi mòn chờ đợi sự đáp trả của mọi người. Đã hai ngàn năm rồi, con người đáp lại tiếng gọi của Ngài
chưa được bao nhiêu. Biết bao nhiêu dòng
tu đang phải đóng cửa, biết bao nhiêu nhà thờ phải đóng cửa, biết bao nhiêu
giáo dân bỏ nhà thờ vì càng ngày càng ít người muốn đi tu, càng ngày càng hiếm
những vị mục tử nhân lành. Biết bao
nhiêu con cái hư hỏng vì thiếu những người cha người mẹ trưởng thành, trách nhiệm và gương mẫu. Biết bao nhiêu trẻ em phạm pháp và tự tử vì
thiếu sự dấn thân của những bậc huynh trưởng.
Biết bao nhiêu người đói khổ và thanh thiếu niên phạm pháp vì thiếu
những cán sự xã hội có tâm. Biết bao
nhiêu trường đào tạo các tiến sĩ dỏm vì giới lãnh đạo không có tâm mà cũng
chẳng có tầm. Biết bao nhiêu những chia
rẽ bất hòa trong gia đình và ngoài xã hội vì đâu đâu cũng đầy dẫy những người tự xưng là Kitô hữu mà tối ngày chỉ ngồi lê đôi mách và thiếu trầm trọng những sứ giả hòa bình… Tôi dành giây phút này và để ý Chúa Giêsu đang
cậy nhờ tôi điều gì trong ngày sống hôm nay và cuộc đời còn lại của tôi? Tôi xin Ngài thức tỉnh lòng tôi biết trở nên
nhạy bén và biết rung cảm trước những vấn nạn của đời sống gia đình, cộng đoàn
và xã hội quanh tôi. Tôi xin cho được
quảng đại và dám đáp lại tiếng gọi của Chúa.
Tôi kết thúc giờ cầu nguyện bằng bài hát, “Chứng Nhân Tình Yêu,” sáng tác của Nguyễn Duy, do Angelo Band
trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=dwyQpJr_kNc
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment