Tuesday, November 8, 2022

Thứ Tư Tuần XXXII Thường Niên – Năm C –9-11-2022 – Lễ Cung Hiến Đền Thờ La-tê-ra-nô

Thu Tu XXXII TN

Ê-dê-ki-en 47:1-2, 8-9, 12

1Bấy giờ, thiên sứ dẫn tôi trở lại phía cửa Đền Thờ, và này: có nước vọt ra từ dưới ngưỡng cửa Đền Thờ và chảy về phía đông, vì mặt tiền Đền Thờ quay về phía đông.  Nước từ phía dưới bên phải Đền Thờ chảy xuống phía nam bàn thờ. 2 Người ấy đưa tôi ra theo lối cổng bắc và dẫn tôi đi vòng quanh theo lối bên ngoài, đến cổng ngoài quay mặt về phía đông, và này: nước từ phía bên phải chảy ra.

8Người ấy bảo tôi: “Nước này chảy về miền đất phía đông, xuống vùng A-ra-ba, rồi đổ ra biển Chết và làm cho nước biển hoá lành. 9 Sông chảy đến đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở đó sẽ được sống.  Sẽ có rất nhiều cá, vì nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống. 12 Trên hai bờ sông sẽ mọc lên mọi giống cây ăn trái, lá không bao giờ tàn, trái không bao giờ hết: mỗi tháng các cây đó sẽ sinh trái mới nhờ có nước chảy ra từ thánh điện.  Trái dùng làm lương thực còn lá để làm thuốc.”

(Trích Sách Ê-dê-ki-en, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay Giáo hội mừng kính lễ cung hiến Đền thờ La-tê-ra-nô.  Thế nhưng chuyện này liên can gì đến tôi, bởi nhà thờ này ở quá xa với tôi và Giáo hội đâu chỉ có một nhà thờ mà có cả hàng ngàn hàng vạn nhà thờ ở mỗi nước trên thế giới?  Xét về địa lý thì đúng như vậy.  Bởi đại đa số người Công giáo, suốt đời sẽ chẳng bao giờ đến được nhà thờ mà Giáo hội mừng lễ hôm nay.  Thế nhưng nếu xét về tâm linh, có được một ngày để mừng Vương cung Thánh đường La-tê-ra-nô một cách long trọng là một điều cần thiết.  Tại sao?  Trung tâm của cả Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới đặt ở Rô-ma.  Tại Rô-ma, Giáo hội có bốn vương cung thánh đường chính, đó là: 1) Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô, nơi được cho là Thánh Phê-rô đã chịu tử đạo và được chôn tại đó, cũng là nơi mà Đức Giáo Hoàng ngày nay thường xuyên gặp gỡ và cầu nguyện với dân chúng vào thứ Tư hàng tuần tại quảng trường Thánh Phê-rô, tiền sảnh của Vương cung Thánh đường; 2) Vương cung Thánh đường Thánh Phao-lô Ngoại thành, nơi được cho là Thánh Phao-lô đã chịu tử đạo và được chôn tại đó; 3) Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, nơi ĐGH Phan-xi-cô thường xuyên đến cầu nguyện với Đức Mẹ, trước và sau mỗi chuyến tông du quốc tế; 4) Vương cung Thánh đường Gioan La-tê-ra-nô, là nhà thờ chính tòa Giáo phận Rô-ma, nơi ĐGH là giám mục chính của giáo phận và nhà thờ chính tòa đó là nhà thờ mẹ của tất cả các nhà thờ chính tòa trên toàn thế giới.  Vương cung Thánh đường này được xây dựng vào năm 324, với tên gọi là Vương cung Thánh đường Đấng Thánh Cứu Chuộc.  Sau này, khi được trùng tu với sự tài trợ ngân sách của một gia đình giầu có mang tên là Laterani và được giao cho tu viện Gioan Tẩy Giả chăm sóc, vì thế nó được đổi tên thành Vương cung Thánh đường Gioan La-tê-ra-nô.

2.     Trong bất kỳ tôn giáo nào, đền thờ không chỉ là nơi thờ phượng các thần minh, nhưng còn là nơi quy tụ mọi giáo hữu, nơi họ được nâng đỡ, chữa lành và bồi bổ tâm linh.  Chính từ ý nghĩa này mà việc mừng kính Vương cung Thánh đường Gioan La-tê-ra-nô mang một ý nghĩa linh thiêng.  Bài đọc hôm nay từ Sách Ê-dê-ki-en cũng diễn tả rất đúng về ý nghĩa của một đền thờ.  Tiên tri dùng hình ảnh rất sống động để nói về đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự, là nơi ân sủng trào tràn như nguồn nước vọt lên không bao giờ cạn, tràn về bốn phía đông, tây, nam, bắc, mọi người có thể kín múc sự sống, tìm được sự chữa lành, gia tăng sức mạnh từ những nguồn ân sủng của đền thờ.  Đời sống thể lý của tôi khỏe mạnh, cường tráng và tràn đầy sức sống là nhờ tôi biết ăn những thức ăn bổ dưỡng và tập thể dục đúng cách.  Đời sống tâm lý và xã hội của tôi tư duy tốt và sáng suốt nhờ tiếp xúc với những sách vở hay, những con người khôn ngoan, uyên bác và lạc quan.  Đời sống tâm linh của tôi cao đẹp, thanh thoát, mạnh mẽ, tràn ngập yêu thương nhờ luôn tiếp nhận những nguồn ân sủng từ Chúa qua  cầu nguyện và tiếp cận với Kinh Thánh.  Tôi đọc lại những hình ảnh của Tiên tri Ê-dê-ki-en trong bài đọc hôm nay và để ý, đời sống đức tin của tôi hiện nay như thế nào: Khô héo, èo uột, sum suê cành lá hay hoa quả trĩu nặng?  Cái gì khiến tôi èo uột, héo úa?  Tôi có thường xuyên đến kín múc ân sủng từ đền thờ là Giáo hội, là giáo xứ của tôi?  Cái gì đã giúp tôi sum suê cành lá và hoa quả trĩu nặng?  Tôi muốn tiếp tục đến với Giáo hội, đến với nhà thờ của tôi để được tẩy rửa khỏi mọi độc tố, để được băng bó, chữa lành và chăm sóc.  Tôi lắng nghe linh hồn tôi đang khao khát ân sủng Chúa như thế nào và đã khát khao bao lâu rồi?  Tôi đến với Chúa trong lúc này.  Tôi muốn đi lễ hôm nay.  Tôi quyết tâm, mỗi ngày nếu tôi cần bồi bổ thân xác thì tôi cũng cần bồi bổ tâm linh của tôi nữa.  Tôi cũng dành giây phút này để cầu nguyện cho Giáo hội, cho giáo phận, cho giáo xứ của tôi được trở nên nguồn ân sủng trào tràn đem lại sức sống và ơn chữa lành cho mọi người, chứ không thể tràn lan những dòng nước ô nhiễm, khiến ai tiếp xúc cũng bị đủ thứ bệnh. 

Phạm Đức Hạnh, SJ 

0 comments:

Post a Comment