Monday, November 14, 2022

Thứ Ba Tuần XXXIII Thường Niên – Năm C –15-11-2022 – Lễ Thánh Albert Cả, Giám Mục và Tiến Sĩ Hội Thánh

 Thu Ba XXXIII TN

Luca 19:1-10

1Khi ấy, Đức Giê-su vào Giê-ri-khô, đi ngang qua thành phố ấy. 2 Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. 3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. 4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. 5 Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” 6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. 7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” 8 Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” 9 Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. 10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay không chỉ đã quen với nhiều người, nhưng bài đọc hôm nay cũng là bài đọc mà tôi đã cùng Giáo hội suy niệm và cầu nguyện ba tuần trước, Chúa nhật 31 Mùa Thường Niên.  Bài đọc hôm nay tiếp ngay sau bài đọc hôm qua kể về việc, Chúa Giêsu chữa một người mù tại Giê-ri-khô, và sau những lời giảng của Ngài về điều kiện theo Ngài và điều kiện vào Nước Thiên Chúa.  Chắc chắn, đây không phải là một sự ngẫu nhiên nhưng là một sự sắp đặt có chủ đích của tác giả Luca.  Bởi, sau những điều kiện rất khó để vào được Nước Thiên Chúa và đi theo Chúa Giêsu, Luca mô tả cho tôi thấy, người mù đã tìm mọi cách để được chữa lành, rồi lại muốn đi theo Chúa Giêsu, và bài đọc hôm nay, Da-kêu, một người giầu có và tội lỗi cũng đã tìm mọi cách để được gặp Chúa Giêsu và để được cứu độ.  Da-kêu là một người thu thuế, bị chính dân tộc ông xua đuổi vì làm tay sai cho ngoại bang, một người tội lỗi vì gian lận của công, một người thấp bé, ấy thế, ông bất chấp tất cả, tìm mọi cách để gặp được Chúa Giêsu, khi gặp rồi, ông muốn chia phân nửa gia tài của mình cho người nghèo và đền bù gấp bốn lần cho những ai mà ông đã gây thiệt hại.  Nhìn vào hình ảnh của anh mù Giê-ri-khô và ông Da-kêu, tôi có suy nghĩ gì cho chính tôi?  Tôi có nỗ lực, có khao khát tìm kiếm Chúa đến mức nào?  Nên nhớ, đây là chương 19 trong Phúc âm Luca, tức là Chúa Giêsu đã tiến gần đến Giê-ru-sa-lem, nơi Ngài sẽ chịu khổ hình và bị giết, điều này có nghĩa là, thời giờ để bất cứ ai muốn gặp Ngài không còn nhiều nữa.  Tất cả những ai muốn gặp Chúa Giêsu phải tận dụng tối đa sức lực, sự sáng tạo của mình mới có thể gặp được Ngài.  Tôi có thấy thời giờ cũng cấp bách cho việc tôi tìm gặp Thiên Chúa?  Một người nào đó đã nói: "Bạn luôn biết bạn còn bao nhiêu tiền trong ngân hàng, nhưng bạn không thể biết bạn còn bao nhiêu thời gian."  Hay như Tiên tri I-sai-a nói: "Lạy Chúa, con như thợ dệt, đang mải mê dệt đời mình, bỗng dưng bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ" (Is 38:12).  Tôi sẽ làm gì để không là quá trễ cho sự sống đời đời của tôi, quá trễ cho việc tìm kiếm Thiên Chúa?  Tôi đọc lại bài đọc trên và cũng lấy lời của Tiên tri I-sai-a để nhắc nhở chính mình: "Hãy tìm kiếm Chúa lúc Ngài còn cho gặp, kêu cầu Ngài lúc Ngài còn ở kề bên" (Is 55:6). 

2.     Tôi có thể ung dung và tự nhủ: Tôi đã được rửa tội từ bé, đã là người Công giáo mấy chục năm qua, đã đi lễ thường xuyên, đã cầu nguyện mỗi ngày, tôi đã làm đủ rồi!  Không chắc!  Tờ giấy rửa tội không là vé bảo đảm cho tôi được vào thiên đàng.  Tôi đi lễ thường xuyên và cầu nguyện mỗi ngày, không thể là công trạng để tôi có thể kể công với Thiên Chúa, và chưa hẳn tất cả những thực hành này đã đủ để nói rằng, tôi đã gặp Chúa.  Gặp gỡ Thiên Chúa là một kết thân sâu đậm, không ngừng nghỉ và không bao giờ là đủ, nhưng luôn khắc khoải kiếm tìm, mãi mãi.  Như Thánh Augustine đã tâm sự: “Lạy Chúa, tâm hồn con cứ mãi băn khoăn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.”  Và, như Keith McClellan, O.S.B, một tu sĩ Dòng Biển Đức nói, “Nếu cầu nguyện khiến bạn thụ động và thờ ơ, đó không phải là cầu nguyện.  Lời cầu nguyện đích thực luôn dẫn tôi đến quan tâm và phục vụ -- If prayer makes you passive and indifferent, it isn’t prayer.  True prayer will bear fruit in care and service.”  Tôi tiếp tục cầu nguyện bằng bài hát, “Con Luôn Khát Khao,” sáng tác của Sr. Hoàng Phương, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=hYoLKnoMaH0

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment