Thursday, November 17, 2022

Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên – Năm C –18-11-2022

Thu Sau XXXIII TN

Khải Huyền 10:8-11

8Tôi là Gio-an, tôi nghe có tiếng từ trời nói với tôi: “Hãy đi lấy cuốn sách mở sẵn trong tay thiên thần đang đứng trên biển và đất.” 9 Tôi đến gặp thiên thần và xin người cho tôi cuốn sách nhỏ.  Người bảo tôi: “Cầm lấy mà nuốt đi!  Nó sẽ làm cho bụng dạ ông phải cay đắng, nhưng trong miệng ông, nó sẽ ngọt ngào như mật ong.” 10 Tôi cầm lấy cuốn sách nhỏ từ tay thiên thần và nuốt đi.  Trong miệng tôi nó ngọt ngào như mật ong, nhưng khi tôi nuốt rồi, thì bụng dạ tôi cay đắng. 11 Và có tiếng bảo tôi: “Một lần nữa, ông phải tuyên sấm về nhiều nước, nhiều dân, nhiều ngôn ngữ và vua chúa.”

(Trích Sách Khải Huyền, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trong tuần này và những tuần kế tiếp Giáo hội mời gọi tôi cùng suy niệm và cầu nguyện với Sách Khải Huyền, một tập sách rất khó hiểu, ngay cả các linh mục giảng lễ cũng thường bỏ qua hoặc chỉ giảng lướt qua mỗi khi bài đọc Thánh lễ được trích từ Sách này.  Sự khó hiểu này cũng là chuyện bình thường, vì đây là một thể văn bao gồm rất nhiều biểu tượng, rất nhiều con số và thị kiến, xuất hiện khoảng thể kỷ 1 trước công nguyên như tôi có thể thấy trong những sách của Tiên tri Đa-ni-en, Tiên tri Giô-en, Tiên tri Ê-dê-ki-en, và thế kỷ 1 sau công nguyên như tôi thấy trong một số đoạn của Phúc âm Nhất Lãm, và đặc biệt trong Sách Khải Huyền.  Khải Huyền, do tiếng Hy-lap apokalupsis, có nghĩa là “vén màn”, tức là vén mở cho mọi người thấy những gì ở bên kia bức màn.  Bức màn ấy là gì, chính là thực tế của cuộc đời, mà cuộc đời lúc bấy giờ như thế nào?  Cuộc đời lúc ấy là, Giáo hội đang bị bắt bớ tàn khốc do Hoàng đế Nê-rô, rất nhiều các Kitô hữu bị giết.  Sách Khải Huyền xuất hiện như bản tin đầy hy vọng, nhằm nâng đỡ các Kitô hữu đang bị bách hại: hãy vững tin, dù cuộc đời này có đang bị tù đầy và giết hại; hãy vững tâm, vì cuộc sống không chỉ có ở đời này nhưng còn đời sau nữa.  Người ta có thể giết hại tôi ở đời này, nhưng không làm gì được tôi sau khi chết, chỉ có Thiên Chúa làm chủ mạng sống tôi cả đời này lẫn đời sau, hãy vững tin vào Thiên Chúa, tôi sẽ khải hoàn phục sinh.  Một chủ đề chính trải dài trong từng trang của Sách Khải Huyền, đó là: cuộc chiến khốc liệt giữa sự thiện và sự ác, giữa chân lý và sự gian trá, giữa Thiên Chúa và ma quỷ.  Sự ác, gian dối và ác quỷ chỉ có thể hoành hành phần nào ở đời này, nhưng cuối cùng Thiên Chúa, sự thật và sự thiện sẽ chiến thắng.  Do cách dùng những biểu tượng, những con số và các thị kiến, nhiều chỗ rất ghê rợn và huyền hoặc, chính vì thế làm cho cả tập sách rất khó hiểu.  Do sự khó hiểu này mà nhiều người hiểu sai, diễn dịch sai tập sách này, thậm chí coi sách này như tập sách để coi bói, tiên đoán vận mệnh tương lai.  Không!  Sách Khải Huyền chỉ nói về một tương lai và tương lai ấy là, những ai tin tưởng ở Thiên Chúa thì không phải hư mất và kết cục của cuộc đời này là, Thiên Chúa sẽ thắng nên, đừng sợ!  Người ta vẫn cho rằng tác giả Sách Khải Huyền là Thánh Gioan, người đã viết Phúc âm Gioan.  Điều này không chắc lắm, dù tác giả Khải Huyền tự xưng là Gioan, nhưng không nói là Gioan Tông Đồ, mà chỉ xưng là người anh em trong cộng đoàn; nhưng quan trọng hơn, đó là: tác giả không nói gì về kinh nghiệm sống với Chúa Giêsu, đồng thời văn phong của Khải Huyền hoàn toàn khác với văn phong của Phúc âm Gioan. 

2. Trở lại với bài đọc hôm nay, tôi có thể cảm thấy rất khó nghe và khó hiểu.  Bài đọc nói về một thị kiến xảy ra với tác giả, một quyển sách nhỏ xuất hiện trước mặt tác giả, rồi một tiếng nói bảo tác giả phải cầm lấy sách ấy mà ăn, mà nuốt.  Ăn xong, hãy đi tuyên sấm!  Sách ấy sẽ cho tác giả một cảm giác vừa ngọt, vừa đắng.  Những điều này có ý nghĩa gì?  Trước hết, quyển sách nhỏ ấy chính là lời Chúa, để am hiểu lời Chúa, để chia sẻ lời Chúa cho ai, tôi phải nghiền ngẫm đêm ngày, như ăn như nuốt lời Chúa vào trong đời sống của tôi, biến lời Chúa trở thành dinh dưỡng, sức mạnh trong đời sống tinh thần của tôi.  Nói một cách khác, tôi phải nên một với Thiên Chúa, trong cách nghĩ, nói năng, hành xử và tương quan với mọi người, sao cho đời sống của tôi diễn tả những đặc tính của Thiên Chúa, để người ta gặp tôi thì cũng gặp được Thiên Chúa.  Một lối sống luôn hướng về chân, thiện, mỹ, sẽ luôn cho tôi những giây phút ngọt ngào, hạnh phúc, bình an, và yêu thương.  Tuy nhiên, lối sống ấy cũng sẽ bị nhiều người chống đối, những con người luôn muốn chối bỏ Thiên Chúa, sống trong sự ác, họ sẽ làm mọi cách để tôi phải đau khổ, bởi đời sống của tôi là cái gai trong mắt họ.  Tôi đọc lại bài đọc trên và cũng muốn nuốt lấy, muốn nghiền ngẫm những gì là chân, thiện, mỹ, vẻ đẹp của Thiên Chúa, trước khi tôi sống và chia sẻ về Thiên Chúa cho người khác.  Ngày hôm nay tôi sẽ làm gì, nói gì, đi đến những đâu, gặp gỡ những ai, tôi có thể mang Chúa đến trong mọi nơi tôi hiện diện hôm nay chăng?  Thánh Inhaxio Loyola nói: “Người nào mang Chúa ở trong tim, sẽ mang cả thiên đàng ở mọi nơi người ấy đến.”  Tôi làm được điều này không?  Tôi nói chuyện với Chúa trong giây phút này để biết phải ăn nói thế nào trong ngày sống của tôi. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment