Wednesday, November 16, 2022

Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên – Năm C –17-11-2022

Thu Nam XXXIII TN

Luca 19:41-44

41Khi ấy, Đức Giê-su đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, thì khóc thương 42 mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi!  Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. 43 Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. 44 Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.  Bài đọc hôm nay ngắn, nhưng chuyên chở những ý tưởng rất đẹp và quan trọng có thể giúp tôi suy niệm và cầu nguyện trong giây phút này.  Thứ nhất, hình ảnh Chúa Giêsu khóc thương thành Giê-ru-sa-lem.  Đây không phải là lần đầu tiên các tác giả Kinh Thánh ghi nhận Chúa Giêsu đầy xúc cảm và khóc.  Điều này cho tôi thấy, Chúa Giêsu cũng rất người.  Là người ai cũng khóc, sinh ra đã khóc.  Khi còn là con nít, người ta khóc; khi đã lớn khôn, người ta cũng khóc, và khi về già, người ta cũng vẫn không hết khóc.  Người ta khóc vì vui, người ta cũng khóc vì buồn.  Người ta khóc khi yêu thương ngập tràn, người ta cũng khóc khi tình yêu tan vỡ.  Người ta khóc khi yếu đuối, người ta cũng khóc khi phải sống mạnh mẽ quá lâu.  Vua hề Charles Chaplin (Sạc-lô), cả cuộc đời luôn muốn làm cho cả thế giới cười nhiều bớt khóc, cũng thường khóc một mình.  Có lần ông tâm sự, “Tôi luôn thích đi dưới trời mưa, để không ai thấy tôi đang khóc I always like walking in the rain, so no one can see me crying.”  Khóc là một việc làm rất người, vì khóc là ngôn ngữ của cảm xúc, của con tim.  Có ai sống mà lại không có trái tim!  Tuy nhiên, khóc lại là điều rất khó hiểu, nhiều khi đến mức huyền bí.  Chính vì thế, khóc thường bị diễn dịch sai và tiêu cực, như: khóc là đặc trưng của phái nữ.  Để rồi, từ văn hóa này đến văn hóa khác, người ta dạy cho nhau rằng: Con trai không được khóc, chỉ con gái mới được mè nheo!  Phái nam cũng có trái tim và đầy cảm xúc, ấy vậy mà người ta cấm con trai không được khóc!  Hoặc, khóc bị hiểu như là biểu hiện của sự yếu đuối.  Chính vì thế, nhiều cha mẹ cứ phải nuốt nước mắt vào trong, nhiều người vợ phải khóc thầm trong đêm, sợ thế giới, gia đình và con cái nghĩ mình yếu nhược.  Thế nhưng, cha mẹ, vợ chồng, ai mà không có trái tim, vậy mà họ không được khóc khi cần phải khóc!  Nhạc sĩ Minh Nhiên còn diễn tả sự gồng mình của đàn ông ra vẻ mạnh mẽ, không dám cho ai thấy mình khóc, trong bài Tình Yêu Không Có Lỗi, “Nước mắt đàn ông không rơi từng giọt, nước mắt đàn ông chôn sâu trong lòng.”  Khóc là một sự diễn tả tự nhiên của một con người có trái tim.  Khóc là một cách diễn tả nỗi lòng sâu kín nhất, khi mà mọi ngôn ngữ đều như què quặt.  Khóc là một phương thức chữa lành những khổ đau của tâm hồn, đồng thời là sức đẩy giúp người ta mạnh mẽ trở lại.  Washington Irving (1783-1859), một nhà văn, nhà tiểu luận và sử gia nổi tiếng của Mỹ thế kỷ 19, nói “Có một sự thiêng liêng trong những giọt nước mắt.  Chúng không phải là biểu hiện của yếu đuối, mà là sức mạnh.  Chúng diễn tả hùng hồn hơn cả hàng vạn ngôn ngữ – There is a sacredness in tears.  They are not the mark of weakness, but of power.  They speak more eloquently than ten thousand toungues.”  Bài đọc hôm nay nói, Chúa Giêsu khóc thương thành Giê-ru-sa-lem vì họ đã không nhận ra những ân huệ Chúa ban, không nhận biết những tai họa đang ập tới.  Có khi nào tôi cảm thấy Chúa Giêsu cũng khóc vì tôi?  Có khi nào tôi đã khóc với Chúa?  Lần gần đây nhất tôi đã khóc là khi nào?  Với ai?  Vì lý do gì?  Tôi cảm thấy như thế nào sau lần khóc ấy?  Nếu trong giờ cầu nguyện này tôi cần khóc, hãy xin ơn nước mắt, dám khóc với Chúa.  Keith McClellan, O.S.B, một tu sĩ Dòng Biển Đức nói: Cầu nguyện khởi đi từ một trái tim khắc khoải.  Hãy lắng nghe những khắc khoải ấy…  Khi bạn cảm thấy buồn hoặc hối lỗi, hãy cứ tự nhiên khóc.  Bởi nước mắt là lời nguyện của con tim.”

2.     Điểm thứ hai cũng rất người trong bài đọc hôm nay, đó là: lòng biết ơn.  Biết ơn là điều mà ai cũng được dạy từ tấm bé, từ những ngày bập bẹ biết nói.  Như vậy chứng tỏ văn hóa nào cũng trọng lòng biết ơn, và coi sự vô ơn là điều đáng ghét.  Nhưng dường như, càng lớn tôi càng sống không biết ơn.  Đặc biệt, tôi dạy con cái khi chúng còn nhỏ, mỗi khi nhận được bất cứ điều gì từ người lớn phải biết nhớ ơn, phải nói cám ơn.  Trong khi đó, tôi là người lớn, mỗi khi con cái làm gì cho mình, lại không biết ơn chúng, không nói được một lời cám ơn với con; trớ trêu, nhiều khi còn vểnh miệng biện hộ: Việc gì phải cảm ơn, đó là bổn phận nó phải làm!  Biết ơn không chỉ là phép lịch sự tối thiểu, nhưng còn là dấu chỉ của một nhân cách trưởng thành.  Người ngoài cho tôi cái gì, tôi cám ơn ríu rít, trong khi đó tôi lại rất vô ơn với những người trong nhà như với: vợ, chồng, ông bà, cha mẹ, con cái.  Biết ơn còn là căn tính của mọi Kitô hữu.  Ngày nào tôi không sống biết ơn, ngày đó tôi không còn là Kitô hữu nữa.  Mỗi ngày, tôi nhận được biết bao nhiêu ân sủng từ Chúa qua xã hội, Giáo hội, gia đình, bạn bè và môi trường, ấy thế mà mỗi ngày, tôi lại không có được năm mười phút để thành tâm cám ơn Chúa, mỗi tuần, tôi lại không có được một tiếng để dâng lễ tạ ơn Chúa.  Liệu Thiên Chúa có đang khóc vì sự vô ơn của tôi?  Thi sĩ nổi tiếng người Anh, William Shakespeare (1564-1616), nói: “Gió đông thổi, cứ thổi cơn, nhưng chẳng lạnh bằng lòng của kẻ phụ ơn – Blow, blow, thou winter wind.  Thou art not so unkind as man’s ingratitude. Tôi đọc lại bài đọc trên và quyết tâm sống diễn tả như một người đầy biết ơn, trong từng ngày sống của tôi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Khúc Ca Tạ Ơn,” sáng tác của Lm Thiên Ân, với sự trình bày của Phan Đình Tùng, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=aJa2Uu6Cr3Q

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment