Khải Huyền 11:4-12
4Tôi là Gio-an, tôi nghe có tiếng nói với
tôi rằng: “Hai nhân chứng của Ta đến tuyên sấm, đó là hai cây ô-liu và hai cây
đèn đứng trước nhan Chúa Tể cõi đất. 5 Nếu ai muốn làm hại
các ngài, thì lửa sẽ từ miệng các ngài phát ra và thiêu huỷ thù địch của các
ngài. Ai muốn làm hại các ngài, sẽ bị
giết như thế. 6 Các ngài có quyền đóng cửa trời lại, khiến
mưa không rơi xuống trong những ngày các ngài làm ngôn sứ. Các ngài cũng có quyền biến nước thành máu và
gieo tai giáng hoạ xuống mặt đất, bao nhiêu lần tuỳ ý. 7 Khi
các ngài đã hoàn thành nhiệm vụ làm chứng, thì Con Thú từ vực thẳm sẽ lên tấn
công các ngài, nó sẽ thắng và giết các ngài. 8 Thi hài của
các ngài sẽ nằm ở quảng trường của thành phố vĩ đại; thành phố ấy mang tên
tượng trưng là Xơ-đôm và Ai-cập, ở chính nơi Chúa của các ngài đã chịu đóng
đinh vào thập giá. 9 Từ các dân, các nước, các ngôn ngữ và
các chi tộc, người ta sẽ đến nhìn xem thi hài các ngài trong ba ngày rưỡi và
không cho phép chôn các ngài trong mộ. 10 Những người sống
trên mặt đất hân hoan vì các ngài đã chết, họ sẽ ăn mừng và tặng quà nhau, vì
hai ngôn sứ này đã làm khổ họ. 11 Sau ba ngày rưỡi, sinh
khí từ Thiên Chúa đến nhập vào các ngài, và các ngài đứng dậy được. Những kẻ đang nhìn các ngài đều kinh
hãi. 12 Rồi các ngài nghe một tiếng lớn từ trời bảo: ‘Hãy
lên đây!’ Và các ngài lên trời trong đám mây, trước mắt thù địch của các ngài.”
(Trích Sách Khải Huyền, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu
nguyện
1.
Hôm nay, tôi tiếp tục suy niệm về Sách
Khải Huyền. Khi đọc Sách Khải Huyền, như
đã nói trong bài đọc hôm qua, tôi sẽ gặp nhiều khó khăn bởi vì Sách này dùng
rất nhiều thị kiến và trong mỗi thị kiến lại có rất nhiều biểu tượng, con số,
mầu sắc; mỗi thứ ám chỉ mỗi ý nghĩa khác nhau.
Để dễ hiểu, tôi có thể hình dung Sách Khải Huyền như là một tập sách viết
về những giấc mơ. Như vậy, tôi sẽ thấy
Sách Khải Huyền rất hấp dẫn, rất gần với đời sống của tôi, mỗi ngày, dù nó đã
được viết ra cách đây cả hai mươi thế kỷ, tại một vùng đất chẳng có liên hệ gì
đến văn hóa của tôi hôm nay. Lưu ý, cần
phân biệt giữa giấc mơ và thị kiến. Giấc
mơ là một viễn cảnh xảy ra trong vô thức, lúc tôi đang ngủ, thiếu chủ động;
trong khi đó, thị kiến là một viễn cảnh bao gồm những hình ảnh như trong mơ,
nhưng lại xảy ra khi tôi đang rất tỉnh, đầy chủ động. Mặt khác, giấc mơ xảy ra trong đêm nhằm diễn
tả đời sống thực thường ngày của tôi; trong khi đó, các thị kiến trong Sách
Khải Huyền lại diễn tả về niềm tin và đời sống của các Kitô hữu tiên khởi đang
bị bách hại. Nếu giấc mơ nào cũng bao
gồm rất nhiều những hình ảnh hư và thực, thị kiến cũng pha trộn đầy những hình
ảnh thực và hư. Những hình ảnh hư cấu, chẳng
hạn: tôi mơ thấy đứa bạn rất thân của tôi có cánh giống hình ảnh thiên thần... Mỗi chi tiết trong giấc mơ và thị kiến đều có
tính biểu tượng, để nói về một cái gì thực, dù hình ảnh ấy chẳng giống, cũng
chẳng liên quan một tí nào trong đời sống hằng ngày của tôi. Rất nhiều hình ảnh trong Sách Khải Huyền được
vay mượn từ những sách trong Cựu Ước. Khải
Huyền còn có nhiều con số và mỗi số mang một ý nghĩa khác nhau, chẳng hạn: số 7
ám chỉ sự hoàn hảo, số 4 ám chỉ thế giới, số 12 ám chỉ Ít-ra-en, số 1000 ám chỉ
thời gian lâu dài, số 31/2 ám chỉ thời gian ngắn. Mầu sắc cũng là biểu tượng, như: Mầu trắng ám
chỉ niềm vui, sự khải hoàn; màu đỏ ám chỉ sự đổ máu… Với những biểu tượng này tôi có thể đọc lại
bài đọc trên.
2.
Trước hết, thị kiến
này nhắc đến hai cây ô-liu, mà theo truyền thống thường dùng để ám chỉ về hai
thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô. Như vậy
thị kiến này đang nói về biến cố tử đạo của hai vị tông đồ này. Những kẻ giết các ngài, từ thành Xô-đôm và
Ai-cập, hình ảnh của những nơi tội lỗi trong Cựu Ước, thì vui mừng. Nhưng chết không phải là hết, khi các ngài bị giết, ba ngày rưỡi sau đó thần khí Thiên Chúa nhập vào các ngài, làm cho các ngài sống lại
và được hưởng phúc vinh quang. Điều này
nhắc nhở những Kitô hữu đang bị bách hại hãy can đảm, hãy hy vọng ở Thiên Chúa,
Ngài sẽ chiến thắng mọi sự ác và sẽ phục sinh người công chính. Việc các ngài được cho sống lại, khiến những
kẻ giết các ngài phải kinh hãi. Họ tưởng
là đã giết được các ngài, xóa sổ các ngài khỏi cuộc đời này; nhưng không, các ngài vẫn
sống, nhờ Thiên Chúa là chủ thể muôn loài, cả đời này lẫn đời sau. Như vậy, đây là một bản văn đầy hy vọng và có
một ý nghĩa rất lớn đối với các Kitô hữu đang bị bách hại, bị giam tù hoặc
có thể sắp chịu tử hình. Đây là niềm tin
Kitô giáo đã tuyên xưng suốt hai ngàn năm qua và cũng là sức mạnh cho mọi Kitô
hữu khi bị bách hại. Tôi có thấy bài đọc
này cũng có thể giúp tôi trong cuộc sống hôm nay? Bài đọc này có đem cho tôi niềm hy vọng, giúp
tôi vững bước, vượt qua những khó khăn trong hiện tại? Chỉ trong Chúa tôi mới tìm thấy sức mạnh, hy
vọng, bình an. Tôi tin điều này
không? Tôi ngắm nhìn Chúa, và tiếp tục cầu
nguyện với bài hát, “Ký Thác Cho Chúa,”
sáng tác của Lm. Thành Tâm, do Ý Hiền Phạm trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=mxVzP-p6neM
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment