Wednesday, November 23, 2022

Thứ Năm Tuần XXXIV Thường Niên – Năm C –24-11-2022 – Lễ Thánh An-rê Dũng Lạc và Các Bạn Tử Đạo (Việt Nam) – Lễ Tạ Ơn (Hoa Kỳ)

Thu Nam XXXIV TN

Luca 17:11-19

11Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người mắc bệnh phong đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa 13và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin rủ lòng thương chúng tôi!” 14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.”  Đang khi đi thì họ được sạch. 15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn.  Anh ta lại là người Sa-ma-ri17 Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao?  Thế thì chín người kia đâu? 18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” 19 Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi!  Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay đã trở nên rất quen thuộc với nhiều Kitô hữu.  Đây là một bài đọc rất đẹp mà tôi có thể tìm thấy những ý tưởng rất phong phú để suy niệm và cầu nguyện trong giây phút này.  Trước hết câu 18 của bài đọc hôm nay cho tôi biết, trong mười người bị phong cùi này chỉ một người là người Sa-ma-ri, dân ngoại, còn chín người kia là người Do-thái, tức là những người có niềm tin vào Thiên Chúa.  Chính vì thế, họ biết luật Mô-sê dạy gì về họ, những người bị phong cùi; cho nên khi thấy Chúa Giêsu, câu 12, họ không chạy lại gần Ngài, nhưng “dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng” với Chúa Giêsu.  Luật Mô-sê dạy gì về những con người như họ?  Luật dạy rằng: Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: ‘Ô uế! Ô uế!’ Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13:45-46).  Trong đời sống bình thường, người Do-thái có một hiềm khích lớn với người Sa-ma-ri; họ là kẻ thù không đội trời chung của nhau, chỉ vì khác niềm tin.  Ấy vậy mà những người bị phong cùi này, mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, sống dở chết dở, bị xã hội xa tránh và ruồng bỏ, bị xếp vào loại cặn bã của xã hội, lại không có một sự ngăn cách giữa lương và giáo với họ, tất cả là anh em và có thể sống chung với nhau.  Chỉ sau khi họ đã được chữa lành, sự khác biệt giữa họ mới nổi lên, xác định và chia rẽ: ai là người Do-thái và ai là người Sa-ma-ri.  Câu chuyện những người bị phong cùi này nghe sao giống đời sống của tôi, của gia đình, hàng xóm và xứ đạo tôi!  Những lúc còn cảnh hàn vi, ai ai cũng gần gũi, yêu thương đùm bọc lẫn nhau; nhà nào có việc gì chỉ cần ới một tiếng là có nhau, không một chút quản ngại; nhưng khi đã có một chút của ăn của để, tôi bỗng dưng xa cách mọi người; tôi dọn nhà đi xa hơn không muốn ở với những người nghèo nữa, nhà nào cũng bắt đầu xây tường thật cao kín, đặt máy quay xunh quanh, nuôi nhiều chó dữ, và gặp nhau phải làm hẹn…!  Cái gì đang là những tường thành chia cách tôi với những người xung quanh?  Có phải học thức, tiền bạc, vóc dáng, niềm tin, quan điểm chính trị đang là những bức tường rất cao chia cách giữa tôi với những người trong gia đình, trong cộng đoàn và hàng xóm?  Đây có phải là lối sống đẹp của người Kitô?  Thiên Chúa đã xuống thế làm người, ở trong kiếp cùng đinh của xã hội, để kéo mọi người xích lại gần nhau hơn, tôi có đang sống và làm giống Chúa Kitô?  Tôi hỏi và bàn chuyện này với Ngài.

2.     Giáo hội Hoa Kỳ luôn chọn bài đọc này cho Thánh Lễ Tạ Ơn hàng năm.  Lý do rất rõ ràng, đó là bài đọc nói về mười người mắc bệnh phong cùi, nhưng đã được Chúa Giêsu chữa lành.  Trong số đó, chỉ có người ngoại giáo trở lại cám ơn Ngài, còn chín người trong đạo kia lại vô ơn.  Có thể nói, Hoa Kỳ là một nước mà phần lớn là hữu thần, không vô thần.  Sự hữu thần này bắt nguồn từ thời lập quốc và thể hiện rõ trên hệ thống tiền tệ của Mỹ.  Nếu tôi để ý, từng tờ giấy bạc của Mỹ, từ một đồng đến một trăm, từ tiền cắc đến tiền giấy, cái nào cũng khắc ghi rất rõ, câu: “In God We Trust” (Chúng Con Đặt Tin Tưởng Nơi Chúa).  Vậy nếu là hữu thần, tôi cần sống biết ơn như thế nào, không thể như chín người Do-thái kia?  Biết ơn không chỉ là dấu chỉ của một nhân cách trưởng thành, nhưng còn là căn tính của người Kitô.  Hôm nay là ngày Lễ Tạ Ơn, tôi muốn sống một ngày đầy biết ơn.  Trước hết, tôi biết ơn Chúa điều gì nhất trong năm qua, trong tháng qua, trong tuần qua, trong ngày hôm nay?  Giữa gia đình, bạn bè và cộng đoàn, ai là người mà tôi biết ơn nhất trong năm qua, trong tháng qua, trong tuần qua và trong ngày hôm nay?  Tôi muốn dành giây phút này và ngày hôm nay để cám ơn Chúa, cám ơn cuộc đời, cám ơn mọi người.  Thi sĩ nổi tiếng của Anh William Shakespeare (1564-1616), viết: “Gió đông thổi cứ thổi cơn, nhưng không lạnh bằng lòng của kẻ phụ ơn -- Blow, blow, thou winter wind, Thou art not so unkind as man’s ingratitude”.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment