Friday, November 25, 2022

Thứ Bảy Tuần XXXIV Thường Niên – Năm C –26-11-2022

Thu Bay XXXIV TN

Luca 21:34-36

34Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, 35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. 36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là ngày cuối cùng của một năm Phụng Vụ trong giáo hội, và bài đọc hôm nay cũng mang những hình ảnh đầy sợ hãi khiến nhiều người dễ nghĩ về những ngày cuối đời, hay ngày tận thế.  Hiểu như vậy có đúng không?  Để hiểu được đoạn văn trên, có lẽ tôi phải nhìn vào bối cảnh của đoạn văn được viết ra.  Trước hết, Luca đặt những lời giảng này của Chúa Giêsu ở cuối chương 21.  Như vậy, đây là những lời nói sau cùng của Chúa Giêsu trước khi Ngài bị bắt rồi bị giết, ở chương 22 và 23.  Thêm vào đó, những lời giảng này được viết giống văn phong của Sách Khải Huyền, nói về những cuộc bắt đạo.  Có lẽ Luca viết như thế là vì, lúc bấy giờ cũng đang xảy ra những cuộc bắt đạo gắt gao trong cộng đoàn của ngài, nên để động viên và khuyến khích các Kitô hữu đau khổ mà ngài viết những lời này.  Luca như mượn những lời từ môi miệng Chúa Giêsu để nhắc nhở các tín hữu: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời.”  Như vậy, dù ngày hôm nay là ngày cuối cùng của năm Phụng vụ, cũng là những ngày cuối năm, tôi không nên hiểu những lời Chúa Giêsu nói ở đây là về ngày tận thế; tôi càng không nên bi quan hay sợ hãi về ngày Chúa đến.  Bởi Chúa đến là một niềm vui mà tôi phải hy vọng, mong đợi một cách hồ hởi, như vợ chờ chồng đang chinh chiến ở xa, như trẻ thơ chờ cha mẹ, như cha mẹ già ngóng trông con cái. 

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một lần nữa và tự hỏi: Đâu là những cuộc bách hại đạo mà tôi đang gặp phải trong lúc này, khiến đức tin của tôi bị lung lay, có thể mất?  Những cuộc bách hại đạo ấy đến từ đâu?  Tôi gọi tên nó ra trước mặt Chúa Giêsu trong lúc này.  Có phải chúng đến từ cám dỗ của những thành công của tôi về vật chất, từ lối sống tiêu thụ của tôi, khiến tôi không còn cần đức tin nữa, không còn cần Chúa nữa?  Có phải chúng đến từ cuộc sống quá bận rộn, khiến tôi không còn giờ cho Thiên Chúa nữa?  Có phải chúng đến từ những thất bại, mất mát và đau khổ trong cuộc sống, khiến tôi nghi ngờ Thiên Chúa?  Có phải chúng đến từ những người thân trong gia đình, khi con cái không còn muốn thực hành niềm tin như cha mẹ nữa?  Có phải chúng đến từ đời sống tội lỗi, thiếu đạo đức và bê tha của tôi?  Có phải chúng đến từ sự tự mãn rằng tôi là một người đạo đức, giữ luật rất tốt?  Có phải chúng đến từ sự thất vọng về giáo hội?  Dù cuộc bách hại đức tin là gì và đến từ đâu đi nữa, chỉ có một cách duy nhất có thể giúp tôi giữ vững đức tin và sống đức tin một cách mạnh mẽ, đó là làm theo lời dạy của Chúa Giêsu: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời…, hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.”  Tôi muốn thành tâm cầu nguyện trong lúc này.  Tôi muốn đưa ra cả một kế hoạch cầu nguyện và sống thể hiện niềm tin bằng những việc lành, cùng lối sống gương mẫu mỗi ngày, kể từ hôm nay trở đi.  Tôi bàn chuyện này với Chúa Giêsu. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment