Friday, July 1, 2022

Thứ Bảy Tuần XIII Thường Niên – Năm C –2-7-2022

Thu Bay XIII TN 

Mát-thêu 9:9-13

14Bấy giờ, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: "Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?" 15 Đức Giê-su trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ?  Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay. 16 Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm. 17 Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư.  Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai."

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện  

1.     Bài đọc hôm nay khá thú vị.  Thú vị ở câu trả lời của Chúa Giesu.  Mấy môn đệ Gio-an thắc mắc với Chúa Giesu về việc họ và những người Pha-ri-sêu ăn chay, trong khi đó các môn đệ của Ngài lại không ăn chay.  Ăn chay là một thực hành quan trọng trong nhiều tôn giáo, nó không chỉ là điều thường được khuyến khích nhưng còn quan quan trọng đến mức được nâng lên thành luật, không làm không được.  Chúa Giesu không hề có ý phá hủy luật ăn chay đã được viết ra, nhưng Ngài có một cách giải thích và áp dụng luật ấy rất thoáng và uyển chuyển.  Đối với Chúa Giesu, ăn chay là chuyện đương nhiên nên giữ, nhưng ăn chay khi nào và ăn chay như thế nào mới là chuyện đáng chú ý.  Tôi có cái nhìn và hiểu giống Chúa Giesu về những luật trong Giáo hội ngày nay không?  Rất nhiều người Công giáo giải thích và giữ luật chay quá máy móc.  Luật nói, ngày chay chỉ được ăn một bữa no và hai bữa đói.  Vậy là ai ai cũng tuyên truyền với nhau: ngày chay, chỉ được ăn một bữa no và hai bữa đói!  Tại sao?  Ngày chay, nhớ ăn chay kiêng thịt!  Tại sao?  Công việc của tôi là khuân vác suốt ngày, cày ruộng cả ngày, làm sao tôi có thể chỉ ăn một bữa no được?  Dù tôi có hy sinh nhịn ăn được đi nữa nhưng rồi mệt mỏi, đói lả, mất sức khiến tôi nóng giận dễ dàng, tôi trở nên tiêu cực, ai đụng đến là tôi có thể nổi điên lên.  Giữ chay như vậy vô ích!  Giữ chay là để tôi trở nên nhân ái, hiền hòa, dễ thương hơn với mọi người xung quanh và làm việc tốt hơn mọi ngày, nhưng ngày chay lại là ngày tôi làm việc chẳng đi đến đâu, do ăn không đủ nên không có sức, ngày chay lại là ngày tôi khó tính khó nết nhất.  Việc giữ chay như vậy vô nghĩa!  Giữ chay như vậy là sống phản Tin Mừng!  Tôi đọc lại cách giải thích luật của Chúa Giesu và xin Ngài giúp tôi nhìn lại cách hiểu và áp dụng tất cả những luật mà tôi gặp thường ngày, sao cho uyển chuyển và ý nghĩa.

2.     Việt Nam có câu: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài,” hoặc “Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc” để nói đến tính thích ứng một cách uyển chuyển trong từng hoàn cảnh.  Có khi nào tôi vẫn cứ lấy vải mới mà vá vào áo cũ không?  Chẳng hạn như việc dạy dỗ con cái.  Dù hôm nay đã là thế kỷ 21 và đang sống tại Mỹ, ấy thế mà, tôi vẫn giáo dục con cái theo kiểu cha mẹ đã dạy tôi ngày xưa bên Việt Nam, để rồi gia đình xào xáo, chia rẽ, không ai muốn nhìn mặt ai nữa?  Tôi ngồi bên Chúa Giesu trong lúc này và xin Ngài giúp tôi nhìn vào từng góc cạnh trong đời sống gia đình của tôi: đâu là những đề tài rất nhạy cảm trong gia đình dễ gây lộn và cãi vã?  Có phải là do những áp đặt lỗi thời, lỗi văn hóa?  Không phủ nhận có những điều cha ông Việt Nam dạy rất hay, nhưng không thể áp dụng trong xã hội ngày nay tại Hải ngoại được.  Thần dữ có thể tận dụng những gì rất tốt xưa kia để xé nát tình thân trong gia đình và cộng đoàn của tôi hôm nay.  Tôi nên lấy câu nói lừng danh của Charles Darwin (1809-1882), cha để của thuyết tiến hóa mà áp dụng cho mọi hoàn cảnh của tôi, gia đình và cộng đoàn hôm nay mỗi khi đối diện với những thay đổi, ông nói: “Không phải là loài mạnh nhất, cũng không phải là loài thông minh nhất đã sống sót, mà là loài dễ thích ứng nhất với sự thay đổi – It is not the strongest of the species that survives, nor the most intelligent that survives.  It is the one that is most adaptable to change.Tôi nói chuyện với Chúa Giesu và xin Ngài chữa lành những đổ vỡ mà tôi đã gây nên trong gia đình và cộng đoàn bao lâu nay.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment