Tuesday, July 12, 2022

Thứ Tư Tuần XV Thường Niên – Năm C –13-7-2022

Thu Tu XV TN 

Mát-thêu 11:25-27

25Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. 26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.”

27 “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi.  Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay như bao gồm hai ý tưởng, mà thực ra chỉ là một; nhưng, Chúa Giêsu đang nói với hai đối tượng khác nhau.  Đối tượng thứ nhất là Chúa Cha; đối tượng thứ hai là dân chúng.  Đối tượng thứ nhất, Chúa Giêsu tạ ơn Chúa Cha vì đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn, chứ không cho những người khôn ngoan thông thái.  Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu có vẻ rất chói tai và khó chấp nhận!  Tại sao Chúa Giêsu lại nói như vậy?  Carl Jung (1875-1961), nhà phân tâm học lừng danh thế giới, nói: “Ở đâu có sự khôn ngoan ngự trị, ở đó không có xung khắc giữa suy nghĩ và cảm xúc – Where wisdom reigns, there is no conflict between thinking and feeling.”  Như vậy khôn ngoan là một điều cao đẹp mà ai cũng quý trọng và luôn kiếm tìm; đồng thời, ai cũng tránh né sự nhỏ bé, yếm thế.  Thực ra, Chúa Giêsu không chê bác sự khôn ngoan theo kiểu nói của Jung, hoặc ca ngợi sự yếm thế, ủy mị; nhưng, Ngài nói về sự hiểu biết mà nhiều người Việt Nam vẫn thường nói: “cóc ngồi đáy giếng”, tức là một sự hiểu biết chỉ có tí ti ấy vậy mà cao ngạo, “coi trời bằng vung”, tự hào rằng mình đã có cả bồ khôn đất trời!  Kiểu khôn ngoan dựa trên sự tự mãn của con người, chứ không phải sự khôn ngoan từ Thiên Chúa.  Bao lâu nay tôi đến với Thiên Chúa bằng con đường nào?  Bằng con đường thơ bé mà Chúa Giêsu nói, là trở nên thật khiêm nhường cho mạc khải của Thiên Chúa, để như suối nước trào tràn trong tôi; hay, bằng con đường tự cao, ngạo nghễ như núi cao chót vót, khiến không một giọt nước mạc khải nào của Thiên Chúa có thể đọng lại trong tôi?  Billy Graham (1918-2018), nhà giảng thuyết nổi tiếng người Mỹ, nói: “Việc lừng danh cả thế giới có ích gì, khi thiên đường chẳng biết đến tên của bạn -- What is the use of being famous on earth.  When heaven doesn’t know your name.”  Tôi đọc lại lời nguyện của Chúa Giêsu và muốn mở lòng cho thật trũng, sao cho tôi được tràn đầy những ơn sủng mạc khải của Chúa.    

2.     Đối tượng thứ hai mà Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay là dân chúng, trong đó có tôi.  Ngài nói rõ: “Không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”  Như vậy Chúa Giêsu khẳng định, chỉ một mình Chúa Cha mới biết rõ Ngài, và con đường để biết và đến được với Chúa Cha là qua Ngài và qua những người mà Ngài mạc khải cho.  Đây là một sự hiểu biết quan trọng.  Quan trọng không chỉ vì đây là cốt lõi của niềm tin, nhưng còn là, nhờ hiểu biết Thiên Chúa, tôi hiểu biết chính tôi.  Nhờ biết rõ tôi, tôi mới sống hạnh phúc và không bị, hoặc để ai giật dây.  Cũng Car Jung nói: “Cuộc đời này sẽ hỏi bạn là ai, và nếu bạn không biết, cuộc đời này sẽ nói bạn phải là ai -- The world will ask you who you are, and if you do not know, the world will tell you.Tôi đi đạo bao lâu nay, tôi biết Chúa Giêsu được bao nhiêu?  Chẳng có sách vở và chẳng có ai có thể giúp tôi hiểu, biết và yêu Chúa Giêsu bằng Chúa Cha.  Cũng chẳng có sách vở và chẳng có ai có thể giúp tôi hiểu, biết và yêu mến Chúa Cha bằng Chúa Giêsu và bằng Giáo hội.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn xin Chúa Cha dạy cho tôi hiểu, biết và yêu mến Chúa Giêsu.  Đồng thời, tôi cũng năng đến với Chúa Giêsu và Giáo hội để được biết và yêu mến Chúa Cha.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Biết Chúa Biết Con”, lời của Thánh Augustine, nhạc của Ân Đức, với sự trình bày của Phương Anh, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=1Hk1_KPerLo

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment