Saturday, July 9, 2022

Chúa Nhật Tuần XV Thường Niên – Năm C –10-7-2022

CN XV TN

Luca 10:25-37

25Khi ấy, có người thông luật kia muốn thử Đức Giê-su mới đứng lên hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” 26 Người đáp: “Trong Luật đã viết gì?  Ông đọc thế nào?” 27 Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” 28 Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm.  Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

29Tuy nhiên, ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” 30 Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp.  Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy.  Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi. 32 Rồi một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua bên kia mà đi. 33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. 34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” 36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” 37 Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.”  Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay nghe như thể bao gồm hai phần, nhưng thực ra chỉ là một.  Đoạn văn đầu tiên chính là ý chính của bài đọc, trong đó là mẩu đối thoại giữa Chúa Giêsu và người thông luật về cách thức để có sự sống đời đời, đó là: Mến Chúa và Yêu Người.  Tuy nhiên, yêu Chúa thì được, nhưng yêu người sao khó quá!  Lưu ý, Luật không dạy tôi yêu Chúa bằng đầu môi chót lưỡi, nhưng phải là yêu “hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn”.  Nếu tôi yêu Chúa được như vậy, chắc chắn tôi sẽ có sức yêu người trong mọi nghịch cảnh.  Như vậy, trước khi có thể yêu người trong mọi nghịch cảnh, cần phải tập yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn.  Tôi có đang gặp khó khăn trong việc yêu người?  Hãy nhìn lại tương quan giữa tôi với Chúa, tôi đang yêu Chúa đến mức nào?  Nếu tôi yêu Chúa hết mình, chắc chắn tôi có thể yêu thương được mọi người, chắc chắn tôi sẽ có thể trở thành người tử tế ở mọi nơi, và đặc biệt nơi đó sẽ thành thiên đàng.  Một người nào đó đã nói: “Nếu bạn phải lựa chọn giữa tử tế và đúng đắn, hãy chọn tử tế và bạn sẽ luôn luôn đúng – If you have to choose between being kind and being right, choose being kind and you will always be right.”  Nếu tôi hết lòng yêu Chúa và tử tế với mọi người, Chúa Giêsu bảo đảm rằng, tôi sẽ được sự sống đời đời. 

2.     Phần còn lại của bài đọc như thể là phần hai của bài đọc, nhưng thật ra chỉ là phần giải thích hoặc minh họa cho những gì phần một đã nói.  Phần minh họa này đã trở thành nổi tiếng đến mức trong Anh ngữ đã tạo thành một cụm từ riêng trong đời sống hàng ngày, đó là: “Good Samaritan”, có nghĩa là người “Samari nhân hậu”.  Không những thế, trong hệ thống luật pháp của Mỹ còn có cả một khoản luật, mang tên: “Good Samaritan Law”, luật này bảo vệ những người tốt bụng khi giúp đỡ người khác.  Trong ý hướng sắp xếp những lời giảng của Chúa Giêsu, tôi có thể thấy Luca có ý nói lên một vấn nạn trong các cộng đoàn Kitô đó là, có những người chỉ lo cầu nguyện mà không quan tâm đến những vấn đề xã hội.  Đối với những con người này, đời sống đạo của họ chỉ khép kín, quanh quẩn trong việc kinh kệ, cầu nguyện, rước sách trong nhà thờ; trong khi đó, họ không thấy những bất công trong xã hội là điều họ phải quan tâm, chẳng thấy liên quan gì đến đời sống đức tin của họ.  Keith McCellan, một tu sĩ dòng Biển Đức nói như sau: “Nếu cầu nguyện khiến bạn thụ động và thờ ơ, đó không phải là cầu nguyện.  Lời cầu nguyện đích thực luôn dẫn tôi đến quan tâm và phục vụ -- If prayer makes you passive and indifferent, it isn’t prayer.  True prayer will bear fruit in care and service.”  Tôi đọc lại câu chuyện trên và để ý Chúa Giêsu có đang nói với tôi như Ngài đã nói với người thông luật: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”?  Tôi muốn hứa với Chúa Giêsu trở thành người Samari nhân hậu, không chỉ ở trong nhà thờ mà còn ở trong mọi môi trường sống của tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment