Tuesday, July 12, 2022

Thứ Năm Tuần XV Thường Niên – Năm C –14-7-2022 – Lễ Thánh Kateri Tekakwitha

Thu Nam XV TN

Mát-thêu 11:28-30

28Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.  Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một trong những ý tưởng trải dài trong toàn bộ Kinh Thánh về mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể.  Khổ đau là một thực tế trong cuộc sống, mà bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu và ở thời đại nào cũng phải đối diện.  Lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam tràn ngập đau khổ.  Bởi vậy mới có câu: “Gánh khổ mà đổ lên non, cong chân bỏ chạy, khổ còn đuổi theo!”  Khổ đau có lẽ đã làm phát sinh các tôn giáo ngày nay.  Mỗi tôn giáo nhìn và giải quyết đau khổ bằng một con đường khác.  Đức Phật nói: “Đời là bể khổ”.  Mà gốc rễ của khổ đau là tam độc: tham (ham muốn), sân (nóng giận), si (mê muội).  Bởi thế để khỏi khổ đau, người ta phải diệt lòng tham.  Như thế, mục đích của Phật giáo là giải thoát con người khỏi đau khổ và triết lý của Phật giáo là chỉ ra một con đường giúp người ta bớt khổ: diệt dục.  Chính vì thế mà Phật giáo gọi là Tự độ giáo, tức mỗi người tự cứu mình.  Kitô giáo lại nhìn đau khổ và giải quyết đau khổ bằng cách khác.  Đối với Kitô giáo, sở dĩ con người đau khổ trầm luân là do tội, do sự dữ.  Mà tội và sự dữ này lớn vượt sức của con người, khiến không ai có thể tự cứu mình được.  Bởi đau khổ là một mầu nhiệm, rất khó hiểu.  Không phải tất cả những đau khổ đều đến từ lòng tham; có những đau khổ rất siêu nhiên, nằm ngoài tầm kiểm soát của mỗi người.  Chính vì không ai có thể tự cứu mình được nên mới cần có Đấng siêu nhiên, và Kitô giáo gọi Đấng ấy là Chúa Giêsu Cứu Thế.  Tuy nhiên, Chúa Giêsu Cứu Thế không đến làm phép lạ cho mọi đau khổ biến mất, nhưng Ngài đến để cùng chia sẻ đau khổ với con người.  Bởi vậy, Kitô giáo là tôn giáo duy nhất được gọi là Cứu độ giáo (Religion of salvation).  Trong bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.  Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.  Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.”  Như vậy, Chúa Giêsu không nói tôi, hãy bỏ gánh nặng xuống, hoặc trút mọi đau khổ lên Ngài.  Trái lại, Ngài bảo, hãy đổi lấy cái ách của Ngài.  Các nhà chú giải Kinh Thánh nói rằng, cái ách mà Chúa Giêsu đang nói ở đây là cái ách đôi, ở đó: Chúa vác một bên và tôi vác một bên.  Như vậy triết lý của Kitô giáo là: Chúng ta không tin vào một Thiên Chúa ở trên mây, chẳng biết gì đến đau khổ của tôi.  Ngài cũng chẳng phải như một kỹ sư làm ra hàng loạt các đồng hồ, phát tán khắp nơi trên thế giới mà chẳng biết chiếc nào còn dùng được hay không nữa.  Thiên Chúa của Kitô giáo là một Thiên Chúa nhập thể vào kiếp người, để ở cùng, để chia sẻ mọi đau khổ với con người.  Có một đau khổ nào mà tôi muốn nói cho Chúa Giêsu nghe lúc này không?  Hãy bộc bạch và thổ lộ tất cả nỗi lòng của tôi cho Chúa Giêsu nghe và để ý Ngài sẽ nói gì và làm gì với câu chuyện của tôi.

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên, hoặc ngắm nhìn thánh giá, hoặc ôm thánh giá trên tay trong lúc này để hiểu, để cảm được tình thương của Chúa đang ở bên tôi, đang ở thật sâu trong tôi biết chừng nào và tôi dâng lời cảm tạ.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Giêsu Giêsu” của Thành Tâm, do Hồng Ân trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=04bNYNNgTf0

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment