Mát-thêu 20:20-28
20Khi ấy, bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê
đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một
điều. 21 Người hỏi bà: “Bà muốn gì?” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây
được ngồi, một người bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” 22 Đức
Giê-su bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”
Họ đáp: “Thưa uống nổi.” 23 Đức
Giê-su bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả
Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy
mới được.”
24Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai
anh em đó. 25 Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói:
“Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm
lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. 26 Giữa anh em thì
không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh
em. 27 Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh
em. 28 Cũng như Con Người đến không phải để được người ta
phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”
(Trích Phúc âm Mát-thêu,
bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay thật thú vị, bởi những gì được tường thuật trong bài đọc
nghe sao rất người và nghe sao thật gần với tôi, đời sống xung quanh mỗi ngày
của tôi. Trước hết, tôi muốn dừng ở lời
cầu xin, hay nói đúng hơn là lòng ao ước của bà Dê-bê-đê cho hai người con trai
của bà. Nhìn từ góc nhìn con người, tôi
có thể nói bà mẹ này quá tham đến ích kỷ.
Nhưng nếu nhìn từ góc nhìn của niềm tin, tôi có thấy đây là một ao ước
đẹp không? Một ao ước thánh. Có khi nào tôi ao ước, hoặc mạnh mẽ hơn đó là
tham lam những điều thánh thiêng như bà mẹ này chưa? Bà Dê-bê-đê ao ước cho con của bà được ngồi
vào những chỗ quan trọng nhất và gần nhất với Thiên Chúa, vậy ước mơ của tôi về
Thiên Chúa là gì? Nên nhớ, C.S. Lewis (1898-1963),
nhà văn và cũng là thần học gia giáo dân nổi tiếng thế giới, đã nói về ước mơ
và tham vọng thế này: “Bạn không
bao giờ là quá trễ để mơ ước – You are
never too old to set another goal or to dream a new dream.” Có khi nào tôi ao ước một lòng ao
ước cầu nguyện chăm chỉ hơn, thật lòng hơn, thắm thiết hơn chăng? Có khi nào lòng mến Chúa trong tôi mạnh đến
mức tôi muốn chiếm đoạt Ngài, và chỉ muốn Ngài là của riêng tôi? Tôi để ý những cảm xúc diễn ra trong tôi như
thế nào, khi tôi mở lòng cho ao ước được thuộc trọn về Chúa và Chúa thuộc trọn
về tôi.
2. Điểm rất người thứ hai trong bài đọc hôm nay, đó là: sự ghen tương giữa các
môn đệ, khi biết bà mẹ Dê-bê-đê “chơi không đẹp”! Đây là điểm cũng lý thú đối với tôi
chăng? Bởi, Mát-thêu đã để nguyên những
nét trần tục đầy tham, sân, si nơi các môn đệ lâu năm của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là thế đó! Ngài tuyển các môn đệ, mà chẳng xem xét lý lịch
của họ, cũng chẳng đặt điều kiện với họ rằng, họ phải thay đổi và trở nên những
người hoàn hảo thì Ngài mới nhận.
Không! Ngài chọn họ với tất cả
những bất toàn của họ. Tôi có nhận thấy
đây là điểm rất đẹp và đầy hy vọng cho tôi không? Tôi vẫn còn có “cửa” được kể vào số những môn
đệ của Chúa Giêsu giữa lòng cuộc sống hôm nay!
Khi biết các môn đệ đang ghen tức với hai anh em Gia-cô-bê và Gioan,
Chúa Giêsu nhân cơ hội ấy, Ngài đã dạy họ về vai trò lãnh đạo đúng đắn nhất
giữa những người thuộc về Ngài, đó là: Phục vụ và phục vụ trong khiêm
nhường. Tôi có thể lấy những tiêu chuẩn
mà Chúa Giêsu nói để xét mình, xem: từ trước đến giờ tôi có phục vụ giống như
Chúa Giêsu mong đợi, dù là phục vụ trong xã hội, giáo hội, giáo xứ, hay gia
đình? Tôi cần điều chỉnh lại mô hình
phục vụ của tôi bao lâu nay không? Tôi
nói chuyện với Chúa Giêsu xem Ngài nghĩ sao?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment