Sunday, July 17, 2022

Thứ Hai Tuần XVI Thường Niên – Năm C –18-7-2022

Thu Hai XVI TN 

Mi-kha 6:1-4

1Các ngươi hãy nghe điều Đức Chúa phán: “Đứng lên!  Hãy mở một vụ kiện trước các núi, các đồi phải nghe tiếng của ngươi!” 2 Hãy nghe vụ kiện của Đức Chúa, hỡi các núi, hỡi nền tảng vững bền của cõi đất, nghe đây!  Vì Đức Chúa đang kiện cáo dân Người, Người tranh luận với Ít-ra-en. 3 “Dân Ta hỡi, Ta đã làm gì ngươi?  Ta đã làm chi khiến ngươi phiền lòng?  Hãy trả lời cho Ta. 4 Phải chăng vì Ta đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập, đã giải thoát ngươi khỏi cảnh tôi đòi, đã sai Mô-sê, A-ha-ron và Mi-ri-am đến hướng dẫn ngươi?”

(Trích Sách Mi-kha, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay được trích từ Sách Mi-kha, một quyển sách được viết vào khoảng 740 năm trước Chúa giáng sinh.  Cũng như bao nhiêu sách ngôn sứ khác, Sách Mi-kha cũng trải qua một quá trình hình thành rất phức tạp, bắt đầu từ chính những lời rao giảng của Mi-kha, sau đó là các môn đệ hoặc những người yêu mến những lời giảng của ông, đã ghi lại.  Dĩ nhiên, không thể tránh những thêm thắt về những lời giảng của ông, khiến cho bản văn còn lại trong Kinh Thánh hiện nay có những chỗ tối nghĩa và khó hiểu.  Tuy nhiên, những gì trọng yếu nhất về những lời giảng của Mi-kha vẫn còn đó.  Mi-kha, tên của ông có nghĩa là: “Ai bằng Thiên Chúa”.  Như vậy, từ chính tên gọi của ông đã nói lên đời chứng nhân của ông.  Ông đã luôn rao giảng về một Thiên Chúa công bằng, nhưng cũng rất nhân từ và đầy yêu thương, siêu việt chẳng ai sáng bằng.  Bởi thế, niềm tin của ông và lời ông rao giảng luôn đi đôi với nhau và rất gần với thực tế.  Các nhà chú giải Kinh Thánh gọi Mi-kha là vị tiên tri xã hội, và cảm thấy những lời ông rao giảng vẫn còn tính thời sự cho con người ở thế kỷ 21 này.  Ông dám tấn công thẳng vào mọi tầng lớp trong xã hội và giáo hội, từ những giới cầm quyền đã lạm quyền áp bức, bóc lột dân, đến những ngôn sứ giả hình, đến sự bất trung của dân Chúa với Thiên Chúa, đến những cảnh xào xáo trong gia đình giữa cha mẹ và con cái.  Bởi vậy, những lời lẽ của ông dù rất đơn sơ, mộc mạc, nhưng không kém phần đanh thép, cương quyết, rất mạnh mẽ xoáy vào tận tâm khảm của người đọc và ở lại mãi trong lòng người đọc, khiến họ phải suy nghĩ và thay đổi.  Chẳng hạn đối với giới cầm quyền, ông dùng những hình ảnh đầy gợi hình như: Các ông lột da khỏi thân người ta và lóc thịt khỏi xương của họ, chúng ăn thịt dân tôi... (3:3).  Đối với sự bất trung của dân Chúa, ông dùng hình ảnh Thiên Chúa khổ tâm chẳng biết kêu ai, Ngài kêu oan với núi đồi, như tôi thấy trong bài đọc hôm nay.  Dù Mi-kha lên án những bất công và bất trung trong xã hội và giáo hội, ông cũng không bi quan.  Đọc những lời giảng của Mi-kha, tôi có thể thấy đằng sau những tăm tối của bất công, áp bức, lũng đoạn trong xã hội, giáo hội và gia đình, vẫn còn đó những tia sáng đầy hy vọng từ những lời giảng của ông.  Tôi cảm thấy lối sống và lời rao giảng của Mi-kha khuấy động trong tôi về những bất công, oan ức, sai trái trong xã hội và giáo hội hôm nay?  Tôi có thể làm gì và muốn làm gì?  Tôi nói chuyện với Chúa để nghe thật rõ lời mời gọi của Ngài, đồng thời tìm được sức mạnh và hướng đi cho những vấn đề của thời đại hôm nay. 

2.     Tôi đọc lại lời của Mi-kha trong bài đọc trên nhiều lần để nghe cho thấu nỗi lòng của Thiên Chúa.  Ngài sinh ra dân, cứu dân, thương dân, lo cho dân, ấy thế mà họ cứ phản bội đi phản bội lại, tựa như người mẹ bị con cái bất hiếu, bội bạc.  Lời Thiên Chúa kêu oan về dân có phải là lời Ngài cũng đang kêu oan về tôi, vị sự bất trung sa đi ngã lại mãi của tôi?  Ấy vậy, tôi còn than trách Chúa rằng, Ngài bỏ rơi và chẳng quan tâm gì đến mọi nỗi khổ của tôi; thế rồi, tôi bỏ Chúa, cóc cần đi lễ, bỏ luôn cầu nguyện, bỏ đạo…?  Tôi hãy nhớ lại lời Keith McClellan, một tu sĩ Dòng Biển Đức nói: “Khi cuộc đời nghiệt ngã và đầy bất công, hãy cứ cầu nguyện.  Chúa là nạn nhân, không phải nguyên nhân.”  Tôi nói chuyện với Chúa trong lúc này về tương quan giữa tôi với Ngài.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Dân Ta Ơi,” do Lm Kim Long sáng tác, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=rVgUY1IbnqQ

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment