Mát-thêu 13:24-30
24Khi ấy, Đức Giê-su trình bày cho dân
chúng nghe dụ ngôn sau đây: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt
trong ruộng mình. 25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù
của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. 26 Khi
lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. 27 Đầy
tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: ‘Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong
ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà
ra vậy?’ 28 Ông đáp: ‘Kẻ thù đã làm đó!’ Đầy tớ nói: ‘Vậy
ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?’ 29 Ông đáp:
‘Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30 Cứ
để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy
gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho
tôi’.”
(Trích Phúc âm
Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Có nhiều ý để tôi có thể suy niệm trong bài đọc hôm nay, nhưng ít ra hai
ý này có thể giúp tôi thăng tiến trong con đường nên thánh và biết tương quan
với mọi người. Thứ nhất, Chúa Giêsu nói:
“Nước Trời ví như chuyện người kia gieo
giống tốt trong ruộng mình.” Thiên
Chúa gieo GIỐNG TỐT, không bao giờ giống xấu.
Bởi thế những gì Chúa Giêsu gieo là TIN MỪNG, không bao giờ là tin dữ. Những việc Chúa Giêsu làm là những VIỆC LÀNH,
VIỆC TỐT, không bao giờ là việc xấu.
Giáo hội mà Chúa Giêsu thiết lập là một GIÁO HỘI TỐT, chứ không phải là
Giáo hội xấu. Nhìn như vậy, tôi có thể
thấy rõ hơn những cái xấu, những điều dữ trong Giáo hội, trong những mục tử của
Giáo hội, trong các Kito hữu quanh tôi đến từ đâu. Chúa Giêsu nói: Kẻ thù của Thiên Chúa đã gieo
những cái xấu ấy vào giữa lòng Giáo hội, vào những người gọi là mục tử của
Chúa, và vào các Kito hữu, lắm khi là những người rất đạo đức. Nói như vậy không có nghĩa là, tôi có thể an
nhiên tự tại, đổ lỗi hết cho ma quỷ, cho kẻ thù của Chúa mà không nhận thấy
trách nhiệm của tôi về những xấu xa trong Giáo hội và xã hội hiện nay. Có thể do lối sống ươn lười, có thể do đời
sống thiếu cầu nguyện, đặc biệt thiếu lòng mến Chúa mà tôi đã để sự dữ len lỏi
vào trong tôi, tôi đã cộng tác với sự dữ phá hoại Giáo hội và giết hại người
khác. Đâu là những lần, những hành động
tôi đã cộng tác với ma quỷ, với sự dữ, gieo cỏ lùng trong Giáo hội, giáo xứ,
gia đình và cuộc đời người khác? Tôi
muốn nói gì với Chúa trong giây phút này?
Một lòng khiêm hạ xin ánh sáng của Chúa giúp tôi biết thay đổi chăng? Tôi nói với Chúa Giêsu những khó khăn nên
thánh, những vật lộn để sống tốt giữa một xã hội đầy gian dối hôm nay, và xin
Ngài giúp đỡ.
2. Thứ hai, Thánh Mát-thêu kể: các người đầy tớ đến xin Chủ đi nhổ những cỏ lùng
trong đồng lúa. Không phủ nhận lòng tốt
và thiện chí của những người đầy tớ muốn điều tốt cho Chủ và cho lúa; tuy
nhiên, sự khôn ngoan của Chủ lại có cái nhìn khác: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ
để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến
ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn
lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi’.”
Đây là một lời khuyên đầy khôn ngoan và nhân từ; bởi trong cuộc sống,
tôi rất dễ có khuynh hướng thấy tôi là lúa còn người khác chỉ là cỏ lùng và
luôn có cám dỗ nhổ cỏ. Biết bao nhiêu
những bất hòa, xung đột trong gia đình và cộng, đoàn phần nhiều đến từ não
trạng chủ quan, xem người ta là cỏ lùng mà không thấy họ cũng là lúa, hoặc mình
cũng là cỏ lùng. Hãy để ý lời Chúa Giêsu
nói hôm nay và lời của Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832), một nhà thơ, nhà
soạn kịch, tiểu thuyết gia, khoa học gia, chính khách và là nhà phê bình người
Đức, nói: “Con người ta thường
nhìn thế giới từ những gì họ cưu mang trong lòng -- A man sees in the world what he carries in his heart.” Hay nói theo kiểu của nhiều người Việt Nam, đó
là: “Lòng đầy miệng mới nói ra,” hoặc “Suy bụng ta ra bụng người.” Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn nhìn lại
đâu là những cám dỗ thường xảy đến trong tôi, khiến tôi chỉ thấy người khác là
cỏ lùng, còn tôi luôn là lúa? Đâu là những
lúc tôi rất thích nhổ cỏ người khác? Tôi
muốn nói chuyện với Chúa Giêsu và xin cho có lòng nhân từ như Chúa. Tôi muốn lấy lời Chúa trong bài đọc hôm nay
và lời của Nate Miller: “Bất kỳ khoảng thời gian nào bạn dành để chỉ trích người
khác đều là thời gian bạn có thể dành để cải thiện bản thân -- Any amount of time you spend criticizing
others is time you could spend improving yourself”, mà tập thăng tiến bản
thân và sống nhân từ với mọi người xung quanh.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment