Monday, July 25, 2022

Thứ Ba Tuần XVII Thường Niên – Năm C –26-7-2022 – Lễ Thánh Gioa-kim và Anna – Cha Mẹ của Mẹ Maria

 Thu Ba XVII TN

Mát-thêu 13:36-43

36Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà.  Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe." 37 Người đáp: "Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. 38 Ruộng là thế gian.  Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời.  Cỏ lùng là con cái Ác Thần. 39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ.  Mùa gặt là ngày tận thế.  Thợ gặt là các thiên thần. 40 Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. 41 Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người,42 rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. 43 Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ.  Ai có tai thì nghe.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Trong những ngày này Giáo hội mời gọi tôi cùng suy niệm về những dụ ngôn của Chúa Giêsu.  Cũng giống như dụ ngôn người đi gieo giống, sau phần dụ ngôn (Mt 13:4-9), có phần giải thích ý nghĩa dụ ngôn (Mt 13:18-23); bài đọc hôm nay là lời giải thích ý nghĩa dụ ngôn cỏ lùng (Mt 13:24-30).  Các nhà chú giải cho rằng, bài đọc hôm nay không phải là những lời của Chúa Giêsu, mà là của các Kitô hữu ban đầu được viết lại như thể Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn này cho các môn đệ.  Cách giải thích dụ ngôn này đến từ cách hiểu và kinh nghiệm của các Kitô hữu tiên khởi về dụ ngôn của Chúa Giêsu.  Tôi hiểu như thế nào về dụ ngôn cỏ lùng?  Có điều gì đánh động tôi, gây ấn tượng đối với tôi nhất?  Ấn tượng ấy làm cho tôi lớn lên trong Chúa, hay làm tôi sợ hãi lo lắng? 

2.     Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu nói: “Ai có tai thì nghe.”  Đây không chỉ là dấu chỉ kết thúc một bài giảng của Chúa Giêsu, nhưng còn là một lời mời, mở ngỏ cho sự đáp trả đầy tự do của mỗi người.  Tôi có nghe thấy dụ ngôn như một lời mời của Chúa Giêsu cũng dành cho tôi?  Tôi nghe, nhưng có hiểu ý Chúa không?  Tôi nhìn, nhưng có thấy những gì Chúa Giêsu nói và làm?  Tôi muốn bày tỏ lòng ao ước của tôi với Chúa Giêsu về những gì Ngài rao giảng năm xưa qua dụ ngôn cỏ lùng.   

Phạm Đức Hạnh, SJ     

0 comments:

Post a Comment