Mát-thêu 13:10-17
10Khi ấy, các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su
rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng?” 11 Người
đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì
không. 12 Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa;
còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. 13 Bởi
thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà
không nghe, không hiểu. 14 Thế là đối với họ đã ứng nghiệm
lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu,
có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; 15 vì lòng dân này đã ra
chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng
hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành. 16 Còn
anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được
nghe. 17 Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và
nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được
thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”
(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các
Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Nhìn và thấy là hai phạm trù rất
khác nhau. Nhà tự nhiên học, nhà thơ và
triết gia siêu việt người Mỹ, Henry David Thoreau (1817-1862), ông được biết
đến nhiều nhất với những tác phẩm như -- “Walden”,
và tiểu luận “Civil Disobedience -- Bất
Tuân Dân Sự”, nói: “Không phải những gì bạn nhìn là vấn đề, mà chính là
những gì bạn thấy -- It’s not what you
look at that matters, it’s what you see.”
Nhìn thuộc về vấn đề giác quan thể lý, hai con mắt; nhưng thấy thuộc về
trí tuệ, nó gắn liền với cái hiểu. Bởi
thế, có nhiều người nhìn mà chẳng thấy; hoặc chính tôi lắm khi nhìn mà chẳng
hiểu; trong khi đó, có những người mù mà họ lại thấy và hiểu rất rõ vấn đề. Thế mới sinh ra biết bao nhiêu những vụ cãi
vã ẩu đả lẫn nhau, chỉ vì người ta hay lẫn lộn hoặc đồng hóa giữa hai phạm trù:
nhìn và thấy. Trong bài đọc hôm nay,
Chúa Giêsu cũng nói có những người nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu. Điều Chúa Giêsu nói không chỉ áp dụng cho
những người đang ở trước mặt Ngài, mà còn cho mọi người ở mọi thời đại. Bởi, có những người đang đứng trước mặt Chúa Giêsu,
đang nghe Ngài nói, đang chứng kiến những gì Ngài làm, ấy thế mà không có mấy
người thấy, hiểu, nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa, nhưng chỉ nhìn Ngài như là
con của Giuse và Maria! Đời sống ngày
hôm nay cũng thế, Thiên Chúa vẫn liên tục làm biết bao nhiêu phép lạ mỗi ngày
trong tôi, qua anh chị em xung quanh, qua trời đất, ấy thế mà tôi vẫn chỉ nhìn
chúng như là những chuyện ngẫu nhiên, do sức con người, do sức tôi, chứ chẳng
có Chúa nào! Tôi thuộc loại người
nào? Tôi mù hay tôi sáng mắt? Tôi điếc hay thính tai? Tôi hỏi Chúa Giêsu xem?
2.
Chúa Giêsu nói với các môn đệ
rằng họ có phúc vì họ nhìn mà thấy, nghe mà hiểu Chúa Giêsu là ai, và những gì
Ngài nói và làm. Tôi có cảm thấy biết
Chúa, được là con cái Chúa là một cái phúc hay tôi chỉ thấy thiệt thòi và bị
cấm đoán đủ đường? Nào là PHẢI đọc kinh
cầu nguyện mỗi ngày, PHẢI đi lễ mỗi Chúa Nhật, trong khi đó những người ngoài
Công giáo được ngủ nướng mỗi ngày! Nào
là PHẢI ăn ngay ở lành, mà nếu có phạm tội thì PHẢI đi xưng tội, trong khi đó
những đứa bạn cứ ăn gian nói dối và sống bê tha mà chẳng một chút áy náy, bứt
rứt lương tâm! Tôi nói chuyện với Chúa về
cái phúc và cái thiệt mà tôi vẫn so sánh và phân bì giữa tôi với những người
ngoài Công giáo. Tôi muốn cám ơn Chúa
hay chê trách Chúa trong lúc này?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment