Luca 10:38-42
38Khi ấy, Đức Giê-su vào một làng kia. Có
một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. 39 Cô có
người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người
dạy. 40 Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình
con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” 41 Chúa
đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! 42 Chỉ
có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a
đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi.”
(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc trong các Chúa Nhật này rất hay và có
liên quan chặt chẽ với nhau. Bài đọc của
Chúa Nhật tuần trước là câu chuyện người Samari Nhân Hậu; trong đó, Chúa Giêsu
kể chuyện về một người đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô và dọc đường bị cướp
đánh đến nửa sống nửa chết, rồi vứt bên vệ đường. Tình cờ có thầy tư tế đi qua; thấy vậy, ông
tránh qua bên kia đường mà đi. Rồi một
thầy Lê-vi cũng đi qua; thấy vậy, ông cũng tránh qua bên kia đường mà đi. Nhưng một người Samari, một người dân ngoại,
cũng đi trên con đường đó; trông thấy, ông chạnh lòng thương, lại gần, lấy dầu
xức lên vết thương, đặt người bị nạn lên lưng lừa của mình, đem về quán trọ và
đưa tiền cho chủ quán nhờ họ chăm sóc người bị nạn, rồi dặn: ông cứ chăm sóc
cho người này, hết bao nhiêu khi trở lại tôi sẽ trả thêm. Luca ghi lại câu chuyện này của Chúa Giêsu
nhằm để nói, trong đời sống cộng đoàn, có những người chỉ lo cầu nguyện mà làm
ngơ những bất công trong xã hội; trong đời sống đức tin, có những lúc tôi đã
chỉ cầu nguyện mà chẳng màng chi đến những đau khổ của những người xung quanh. Chúa Giêsu kết thúc câu chuyện ấy bằng câu: “Hãy
đi và làm như vậy,” tức là làm như người Samari nhân hậu, chứ đừng như thầy
tư tế và thầy Lê-vi. Trong bài đọc hôm
nay, Luca viết tiếp ý tưởng này bằng biến cố Chúa Giêsu được Mác-ta đón Ngài
vào nhà của cô. Nhưng khi đã đón Ngài
vào nhà, cô lại bận bếp núc để phục vụ, trong khi đó Maria là em của cô lại
ngồi dưới chân Chúa Giêsu nghe Ngài giảng.
Mác-ta bận đến mệt cả người, đến mức ghen với em của cô, đến mức cô phải
càm ràm với Chúa Giêsu. Trong câu chuyện
tiếp nối này, Luca nhấn mạnh đến, trong đời sống cộng đoàn, có những người chỉ
lo làm, phục vụ đến tối tăm mặt mũi và chẳng có giờ cầu nguyện; trong đời sống
đức tin, có những lúc tôi chỉ lo làm và chẳng còn sức để cầu nguyện. Kết thúc câu chuyện hôm nay, Chúa Giêsu nói
với Mác-ta: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ
có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a
đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi.” Tôi có thể lấy câu nói của Chúa Giêsu
mà xét mình. Tôi có quá bận rộn đến mức
không thấy cầu nguyện là quan trọng, đến mức cảm thấy cầu nguyện là mất thì
giờ, đến mức mà mọi việc làm chỉ là do sức của tôi chứ không phải do Chúa, đến
mức không có sức để cầu nguyện? Nhìn lại
với những bận rộn và phục vụ bao lâu nay của tôi, tôi được gì và mất gì? Trong đời sống bận rộn ấy, có Chúa ở trong đó
không? Tôi muốn lấy giây phút này mà nói
chuyện với Chúa và kết nối lại với Chúa.
2. Cả hai bài đọc tuần trước và tuần này đều muốn nói với tôi: Cầu nguyện là
tốt và cần thiết, nhưng không phải là những giây phút tôi chạy trốn cuộc đời,
làm ngơ trước những đau khổ và bất công xung quanh tôi. Keith McClellan,
O.S.B, một tu sĩ Dòng Biển Đức, nói: “Nếu cầu nguyện khiến bạn thụ động và thờ
ơ, đó không phải là cầu nguyện. Lời cầu nguyện đích thực luôn dẫn tôi đến
quan tâm và phục vụ -- If prayer makes you passive and indifferent, it
isn’t prayer. True prayer will bear fruit in care and service.”
Đồng thời, phục vụ là tốt và cần thiết,
nhưng cũng phải biết nương tựa vào Chúa, bởi Chúa Giêsu nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy,
thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho
và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng
vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở
lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý” (Ga 15:5-7). Nói chung, tôi cần phải
biết quân bình giữa cầu nguyện và phục vụ.
Trong giây phút này, tôi muốn nhìn lại đời sống của tôi, có đang bị mất
quân bình, để chấn chỉnh những lệch lạc, dù đó là lệch lạc do cầu nguyện quá
nhiều hay phục vụ quá nhiều? Tôi xin
Chúa soi sáng để nhận ra những lệch lạc, khiêm nhường dám nhìn nhận những sai lệch
và can đảm để dám thay đổi.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment