Luca 11:1-13
1Một hôm, Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia.
Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa
Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của
ông.” 2 Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy
nói:
“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Đại Cha mau đến,
3xin Cha cho chúng con
ngày nào có lương thực ngày ấy ;
4xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”
5Người còn nói với các ông: “Ai trong anh
em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: ‘Bạn ơi, cho tôi
vay ba cái bánh, 6 vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà,
và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả’, 7 mà người kia
từ trong nhà lại đáp: ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại
ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.’? 8 Thầy
nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì
cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.
9 “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ
thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. 10 Vì hễ ai xin thì nhận
được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. 11 Ai
trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà
cho? 12 Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? 13 Vậy
nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành,
phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người
sao?”
(Trích Phúc âm Luca,
bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm
nay vẫn nối tiếp những bài đọc của các Chúa Nhật trước. Hai Chúa Nhật trước đây, Chúa Giêsu kể câu
chuyện về người bị nạn trên đường đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, nhưng bị
các tư tế và Thầy Lê-vi làm ngơ không giúp, mà lại được một người ngoại giáo
giúp. Qua đó, Chúa Giêsu muốn nói đến những
thái độ cầu nguyện và sống đạo xa rời với thực tế; chỉ cầu nguyện mà không quan
tâm đến những bất công xã hội, thật chẳng có ích chi. Trong bài đọc của Chúa Nhật tuần vừa rồi, tôi
lại gặp được câu chuyện Chúa Giêsu được mời đến nhà của hai chị em Martha và
Maria; trong đó, Martha quá bận rộn với công việc bếp núc, nhưng Maria chỉ ngồi
bên chân Chúa mà nghe Ngài giảng. Ở câu
chuyện này, tôi có thể thấy, Chúa Giêsu nêu bật việc cầu nguyện trọng hơn phục
vụ. Nếu tôi đọc hai câu chuyện trên liên
tiếp với nhau, tôi sẽ thấy, điểm nhấn của chúng ở sự quân bình giữa cầu nguyện
và phục vụ. Đến bài đọc của Chúa Nhật
này, Chúa Giêsu chỉ cho tôi biết cầu nguyện phải như thế nào. Cầu nguyện, trước hết, phải như Chúa Giêsu dạy
trong “Kinh Lạy Cha”, một lời kinh mà có lẽ rất quen thuộc với đại đa số Kito hữu.
Có lẽ, đây mới là đỉnh cao của những gì
Chúa Giêsu nói trong mấy tuần qua, đó là: phục vụ thì tốt, mà cầu nguyện cũng tốt,
nhưng trong tất cả và trước tất cả phải làm vinh danh Thiên Chúa. Tôi đọc lại từng lời của câu kinh quen thuộc
này để hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Giêsu muốn tôi phải cầu nguyện, phải phục vụ
sao cho vinh danh Chúa trên hết và trước hết.
2. Kế đến, cầu
nguyện phải có lòng tin, cầu nguyện phải có sự kiên trì, cầu nguyện phải có
tâm, cầu nguyện phải có hồn, cầu nguyện phải có lòng ao ước, không thể cầu nguyện
như một thói quen, cho có lệ, cho qua luật buộc, hoặc vì a-dua… Bao lâu nay tôi cầu nguyện như thế nào? Niềm tin của tôi ở đâu trong những lời nguyện
tôi cầu? Chúa ở đâu trong những giờ cầu
nguyện của tôi? Chúa ở đâu sau khi tôi cầu
nguyện? Tôi hãy nghe những lời cảnh báo
về cầu nguyện như sau. Trước hết, John Bunyan (1628-1688), một nhà văn và là một nhà giảng thuyết
thuộc phái Thanh Giáo người Anh, nói: “Cầu nguyện, vấn đề là ít lời nhưng giầu
lòng hơn là, nhiều lời mà vô tâm – In
prayer it is better to have a heart without words than words without a heart.” Và E. C. McKenzie đặt câu hỏi: “Không hiểu
sao có rất nhiều người đi lễ đọc “Kinh Lạy Cha” mỗi Chúa Nhật, vậy mà cả tuần sống
như những kẻ mồ côi? -- Why is it that so
many church members say “Our Father” on Sunday and go around the rest of the
week acting like orphans?” Tôi lấy hai câu nói này để dẫn tôi hiểu hơn
những gì Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay và ý thức hơn mỗi khi tôi cầu
nguyện.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment