Tông Đồ Công Vụ 6:8-15
8Ông Tê-pha-nô được đầy ân sủng
và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân.9 Có
những người thuộc hội đường gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc
Ky-rê-nê và A-lê-xan-ri-a, cùng với một số người gốc Ki-li-ki-a và A-xi-a, đứng
lên tranh luận với ông Tê-pha-nô.10 Nhưng họ không địch nổi lời
lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông.11 Bấy giờ, họ mới xui
mấy người phao lên rằng: "Chúng tôi đã nghe hắn nói lộng ngôn xúc phạm đến
ông Mô-sê và Thiên Chúa."12 Họ sách động dân và các kỳ mục
cùng kinh sư, rồi ập đến bắt ông và điệu đến Thượng Hội Đồng.13 Họ
đưa mấy người chứng gian ra khai rằng: "Tên này không ngừng nói những lời
phạm đến Nơi Thánh và Lề Luật.14 Vì chúng tôi đã nghe hắn nói rằng
Giê-su người Na-da-rét sẽ phá huỷ nơi này và thay đổi những tục lệ mà ông Mô-sê
đã truyền lại cho chúng ta."15 Toàn thể cử toạ trong Thượng
Hội Đồng đều nhìn thẳng vào ông Tê-pha-nô, và họ thấy mặt ông giống như mặt
thiên sứ.
(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay ghi nhận cuộc tranh cãi đức tin giữa
Tê-pha-nô và những người chống đối ông.
Nếu tôi đọc tiếp trình thuật trên trong Sách Tông Đồ Công Vụ, tôi sẽ thấy
sự tranh cãi đã đẩy lòng căm tức trong họ lên rất cao, đến nỗi họ phải giết
Tê-pha-nô. Tê-pha-nô đã trở thành vị tử
đạo tiên khởi của giáo hội, kể từ sau cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Cuộc tranh cãi đức tin rất tài tình của
Tê-pha-nô có thể nhắc nhớ tôi về lần nào đó, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ
như sau: “Khi người ta nộp
anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó,
Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải
chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10:19-20). Tê-pha-nô đã bình tĩnh, sáng suốt, nói năng mạnh
bạo, lý lẽ vững chắc đến nỗi kẻ thù không chỉ không thắng nổi ông, mà còn thấy
ông sáng láng như một thiên sứ. Có khi
nào tôi đã ở trong những tình huống phải mạnh mẽ sống và làm chứng cho đức tin,
để rồi bây giờ nhìn lại và thấy, không hiểu làm sao những khi ấy mình đã mạnh mẽ
sống và nói năng giỏi như thế? Dường như
có một sức mạnh từ Chúa đã giúp tôi sống, có một sự khôn ngoan của Chúa đã giúp
tôi đối đáp trước những cách nói đầy cạm bẫy của sự dữ, chứ hoàn toàn không phải
sức riêng của tôi. Tôi muốn nói gì với
Chúa về những kinh nghiệm ấy? Đời sống đức
tin của tôi đang có những khó khăn nào?
Tôi muốn như Tê-pha-nô nương tựa vào sự giúp đỡ của Chúa trong cuộc chiến
đấu này.
2. Những người chống đối Tê-pha-nô đã
phao tin giả, đã bóp méo sự thật nhằm xách động quần chúng theo họ mà chống lại
ông. Hóa ra, công cụ tuyên truyền của
giới có quyền và của những kẻ mạnh ở thời nào cũng thế. Người ta dùng quyền để phục vụ cho ý riêng
của họ, bất chấp sự thật, bất chấp Thiên Chúa và bất chấp mọi người. Có khi nào tôi cũng dùng quyền của mình mà
lấn át người khác trong gia đình, trong cộng đoàn, hoặc trong xứ đạo của mình? Có khi nào để phục vụ cái tôi của mình mà tôi
đã sẵn sàng bóp méo sự thật, xuyên tạc và bêu xấu người khác? Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong giờ cầu
nguyện này? Tôi để ý xem Ngài mời gọi
tôi thay đổi như thế nào từ bài đọc hôm
nay?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment