Tuesday, May 24, 2022

Thứ Tư Tuần VI Phục Sinh – Năm C –25-5-2022

Thu Tu VI PS

Tông Đồ Công Vụ 17:22-28

22 Một hôm, đứng giữa Hội đồng A-rê-ô-pa-gô, ông Phao-lô nói: “Thưa quý vị người A-thê-na, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết. 23 Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: ‘Kính thần vô danh’.  Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị. 24 Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên. 25 Người cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự. 26 Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. 27 Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta. 28 Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói: ‘Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người.’

(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một trang nhật ký truyền giáo của Phao-lô khi ngài mới đến rao giảng ở A-thê-na, Hy-lạp.  Tôi để ý đến phản ứng của Phao-lô trước cách tôn thờ của người A-thê-na.  Họ sùng đạo, họ tôn thờ và phủ phục trước thần linh, nhưng rất mơ hồ.  Họ chẳng biết gọi thần linh của họ là gì và nền tảng niềm tin của họ ra sao.  Có khi nào Phao-lô đến thăm tôi, cộng đoàn xứ đạo của tôi, ngài cũng thất vọng mà thốt lên những lời trên?  Tôi và cộng đoàn tôi tin Thiên Chúa nào?  Mạnh mẽ đến mức nào?  Hay, tôi và cộng đoàn tôi chỉ tin vậy vậy thôi, cũng mơ hồ lắm, khiến mỗi giờ kinh làm như cái máy, chỉ dùng đầu mà không dùng tim, miệng cầu xin đó nhưng lòng chẳng tin lắm, để rồi cầu kinh xong thì cũng đi vái tứ phương, đến thầy này coi bói, đến chùa kia xin quẻ, bùa ngải thì đeo đầy mình, hoặc chạy theo hết phép lạ này đến phép lạ khác?  Niềm tin Kitô giáo không dạy như vậy và không mơ hồ như vậy.  Tôi muốn đọc lại niềm tin mà Kitô giáo và các tông đồ đã rao giảng hai ngàn năm qua, để được củng cố và xác tín vào những gì tôi tuyên xưng: Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.  Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai sinh bởi Bà Maria Đồng Trinh chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đanh trên cây Thánh giá, chết và táng xác xuống ngục Tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.  Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần.  Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này. Các Thánh thông công.  Tôi tin phép tha tội.  Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.  Tôi tin hằng sống vậy.  Amen.  

2.      Phao-lô khẳng định, Thiên Chúa mà ông đang rao giảng là một Thiên Chúa đích thực, sống động, không bất động như trong các pho tượng, một Thiên Chúa có trước muôn loài và làm nên muôn loài, và ở trong Thiên Chúa ấy mà tôi sống, tôi cử động, tôi hiện hữu.  Tôi ngồi đây trước mặt Chúa, hít thở thật sâu và thả lỏng cơ thể để cảm thấy biết ơn Chúa về tất cả những gì tôi đang có: sự sống, hơi thở, bầu khí trong lành, khả năng đập của con tim, của những lá phổi, của ngũ quan, của cơ bắp...  Lần gần đây nhất tôi biết ơn và cám ơn Chúa về buồng phổi của tôi đang làm việc rất tốt là khi nào?  Tôi đã lạm dụng nó ra sao?  Khi nào tôi đã cám ơn Chúa về cặp mắt tôi vẫn còn sáng để trông thấy mọi vẻ đẹp của cuộc sống?  Đôi tai vẫn còn nghe được những điều hay lẽ phải trong cuộc sống?  Răng, lưỡi, miệng, vẫn còn thưởng thức được những món ăn ngon?...  Lạy Chúa, chính ở trong Chúa mà con sống, con cử động, con hiện hữu, con tạ ơn Chúa.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment