Tông Đồ Công Vụ 8:1b-8
1bHồi ấy, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội. Ngoài các Tông Đồ ra, mọi người đều phải tản
mác về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri. 2 Có mấy người
sùng đạo chôn cất ông Tê-pha-nô và khóc thương ông thảm thiết. 3 Còn
ông Sao-lô thì cứ phá hoại Hội Thánh: ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn
bà đi tống ngục. 4 Vậy những người phải tản mác này đi khắp nơi
loan báo lời Chúa. 5 Ông Phi-líp-phê xuống một thành miền
Sa-ma-ri và rao giảng Đức Ki-tô cho dân cư ở đó. 6 Đám
đông một lòng chú ý đến những điều ông Phi-líp-phê giảng, bởi được nghe đồn và
được chứng kiến những dấu lạ ông làm. 7 Thật vậy, các thần
ô uế vừa kêu lớn tiếng vừa xuất khỏi nhiều người trong số những kẻ bị chúng ám.
Nhiều người tê bại và tàn tật được chữa
lành. 8 Trong thành, người ta rất vui mừng.
(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay là một trang nhật ký
tử đạo. Các Kitô hữu tiên khởi đã bị
bách hại đủ đường, bị bắt bớ, đánh đập, tù đầy và giết hại, khiến cho họ phải
tản mát khắp nơi, nhưng đi đến đâu họ lại loan truyền đức tin của họ đến đó. Lịch sử bách hại đạo vẫn còn tiếp diễn trong
suốt hai ngàn năm qua, ở mọi nơi và mọi lúc.
Chắc chắn, trong mọi cuộc bách hại đạo đều đã có những người chối bỏ đức
tin, có những người đã than phiền trách móc: “Tại sao con theo Chúa mà khổ quá
vậy?”; tuy nhiên, phần nhiều vẫn mạnh mẽ đối diện với mọi đau khổ và giữ vững
đức tin, nhờ vậy mà niềm tin Kitô giáo vẫn còn truyền lại cho đến hôm nay và
vẫn lớn mạnh trên thế giới hiện nay.
Đúng như Tertullian (160 AD), tác giả Kitô tiên khởi, sống tại Carthage,
một tỉnh ở Châu Phi thuộc La Mã. Ông là
tác giả Kitô đầu tiên đã tạo ra một kho tài liệu rộng rãi về văn học Kitô giáo
La-tinh. Ông là một nhà biện chứng Kitô
tiên khởi và cũng là nhà hộ giáo chống lại các dị giáo, bao gồm Ngộ đạo thuyết Kitô. Trong tác phẩm “Apologeticus”, ông đã viết cho Hoàng đế La-mã những lời lẽ như sau:
“Chúng tôi không phải là một triết lý mới mà là một mặc khải thần thánh.
Đó là lý do tại sao quý vị không thể
tiêu diệt được chúng tôi; quý vị càng giết chúng tôi, chúng tôi càng lớn mạnh. Máu của các vị tử đạo là hạt giống của Hội
thánh. Quý vị ca ngợi những người đã chịu
đựng đau đớn và cái chết - miễn sao họ không phải là các Kitô hữu! Sự tàn ác của quý vị chỉ đơn thuần chứng minh
chúng tôi vô tội trước những tội ác mà quý vị buộc tội chống lại chúng tôi… Và quý vị khắc khoải về mục đích của mình. Bởi những người nhìn thấy chúng tôi chết, đều
thắc mắc tại sao chúng tôi lại làm được như vậy, vì chúng tôi chết như những
người mà quý vị tôn kính, không phải như nô lệ hay tội nhân. Và khi họ nhận ra, họ nhập đoàn với chúng tôi – We are not a new philosophy
but a divine revelation. That’s why you can’t just exterminate us; the more you
kill the more we are. The blood of the martyrs is the seed of the church. You
praise those who endured pain and death – so long as they aren’t Christians!
Your cruelties merely prove our innocence of the crimes you charge against us… And you frustrate your purpose. Because those
who see us die, wonder why we do, for we die like the men you revere, not like
slaves or criminals. And when they find out, they join us.” Tôi muốn đọc
lại trang nhật ký tử đạo trên và nhắc nhở tôi quyết tâm sống đức tin bằng mọi
giá giữa cuộc đời hôm nay.
2. Trang nhật ký tử đạo hôm nay cũng để lại trong tôi một hình ảnh đầy ấn
tượng, đó là Sao-lô, tức Thánh Phao-lô.
Ông say mê bắt bớ những người theo Chúa Kitô, thế rồi ông đã gặp được
Chúa Giêsu Phục Sinh, kinh nghiệm ấy làm ông thay đổi hoàn toàn, để rồi trở
thành vị thánh cột trụ của Giáo hội hôm nay.
Đời sống của ông và tình thương của Chúa dành cho ông có thể nhắc nhở
tôi về câu nói nổi tiếng của Oscar Wilde (1854-1900): “Thánh nhân nào cũng có một
quá khứ và tội nhân nào cũng có một tương lai – Every saint has a past and every sinner has a future!” Điều này không phải là cái cớ
để cho phép tôi phạm tội hay tiếp tục sống trong tội lỗi, nhưng là một hy vọng ở
tình yêu của Thiên Chúa. Dù tôi có như
thế nào Thiên Chúa vẫn mở cửa chờ tôi.
Tôi là một tội nhân ư? Đừng tuyệt
vọng, hãy nhìn vào Chúa mà bước tới, thay vì nhìn vào tôi. Tôi là một người lành thánh ư, đừng vì thế mà
tự mãn, hãy nhận biết tôi đã từ tội nhân mà thành thánh; bởi thế, tôi cần biết
thông cảm và có lòng thương xót với bất cứ ai đang sống trong tội lỗi hiện nay
hoặc đã có một quá khứ không mấy tốt đẹp.
Tôi muốn nói chuyện với tình thương của Chúa về cuộc đời của tôi hôm
nay.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment