Friday, May 6, 2022

Thứ Bảy Tuần III Phục Sinh – Năm C –7-5-2022

Thu Bay III PS

Gioan 6:51, 60-69

51Tại hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đã nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.  Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” 60 Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá!  Ai mà nghe nổi?” 61 Nhưng Đức Giê-su tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? 62 Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? 63 Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì.  Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.

64“Nhưng trong anh em có những kẻ không tin.”  Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. 65 Người nói tiếp: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.” 66 Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.

67Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” 68 Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?  Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. 69 Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc là ở phần kết thúc của Chương 6 Phúc âm Gioan, một chương rất đặc biệt ghi lại diễn từ của Chúa Giêsu về bánh hằng sống.  Trong những phần đầu của Chương 6, Chúa Giêsu đã gặp những chống đối từ những người Do-thái, khi nói Ngài là bánh hằng sống, ai ăn thịt và uống máu Ngài sẽ sống muôn đời.  Ở phần cuối của Chương 6, tôi gặp thấy chính những môn đệ Chúa Giêsu cũng phản ứng lại những gì Chúa Giêsu dạy về bánh hằng sống.  Không chỉ một vài người, nhưng nhiều môn đệ đã rút lui, không còn muốn theo Chúa Giêsu nữa; họ thấy những lời dạy của Chúa Giêsu thật chói tai.  Họ chống đối và bỏ Chúa Giêsu cũng là điều dễ hiểu, bởi họ không thấy Chúa Giêsu là Chúa, mà chỉ thấy Ngài là con của Giuse và Maria, những người hàng xóm mà họ đã rất quen.  Vấn đề cần hỏi ở đây, đó là: Ngày hôm nay hai ngàn năm sau, tôi hiểu rõ hơn Chúa Giêsu là Đấng Mê-si-a, đã nhập thể, chết và sống lại, tôi có cảm thấy chướng tai, muốn bỏ Chúa Giêsu không, khi Ngài nói: Ngài là bánh hằng sống, và đến từ Chúa Cha?  Nếu không chướng tai, tôi tin và sống được bao nhiêu ở những lời Ngài nói về bánh hằng sống?  Tôi có dám nói như Phê-rô: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?  Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.  Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”   

2.      Chúa Giêsu là bánh hằng sống, không chỉ nhập thể một lần rồi chết và lên trời, nhưng Ngài còn muốn ở với con người mãi trong Thánh Thể, dưới hình ảnh của chiếc bánh, hình ảnh của thức ăn để nuôi dưỡng tôi và ở thật sâu trong tôi.  ĐGH Phan-xi-cô đã nói rất đẹp về Thánh Thể như sau: “Thánh Thể rất cần thiết cho chúng ta: chính Chúa Kitô muốn bước vào cuộc đời chúng ta và lấp đầy cuộc đời chúng ta bằng ân sủng của Ngài – The Eucharist is essential for us: it is Christ who wishes to enter our lives and fill us with his grace.”  Đã hai ngàn năm qua, Thánh Thể đã đem mọi người lại với nhau, làm thành giáo hội và niềm tin Kitô giáo hôm nay.  Tuy nhiên, không phải ai tin cũng coi tôn giáo của họ một cách nghiêm túc.  Một người nào đó đã nói: “Đối với một số người, tôn giáo giống như một chiếc chân giả.  Nó không có hơi ấm và cũng chẳng có sự sống; và mặc dù nó giúp họ đứng dậy mỗi khi vấp ngã, nhưng nó không bao giờ trở thành một phần đời sống của họ.  Nó cứ phải được thắt buộc lại mỗi ngày – For some people religion is like an artificial limb.  It has neither warmth nor life; and although it helps them stumble along, it never becomes a part of them.  It must be strapped on each day.”  Kitô giáo quan trọng như thế nào đối với tôi?  Thánh Thể quan trọng như thế nào và ảnh hưởng trên đời sống của tôi ra sao?  Trong giây phút này tôi có thể xin Chúa Giêsu Thánh Thể lấp đầy cuộc sống của tôi, đặc biệt mỗi lần tôi tham dự Thánh Thể. 

Phạm Đức Hạnh, SJ 

0 comments:

Post a Comment