Tông Đồ Công Vụ 9:1-20
1Bấy giờ, ông Sao-lô vẫn còn hằm hằm đe doạ giết các môn đệ Chúa, nên đã
tới gặp thượng tế 2 xin thư giới thiệu đến các hội đường ở
Đa-mát, để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt
trói giải về Giê-ru-sa-lem. 3 Vậy đang khi ông đi đường và đến
gần Đa-mát, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ
lấy ông. 4 Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông:
“Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” 5 Ông nói: “Thưa
Ngài, Ngài là ai?” Người đáp: “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ. 6 Nhưng
ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm
gì.” 7 Những người cùng đi với ông dừng lại, sững sờ: họ
nghe có tiếng nói, nhưng không trông thấy ai. 8 Ông Sao-lô
từ dưới đất đứng dậy, mắt thì mở nhưng không thấy gì. Người ta phải cầm tay dắt
ông vào Đa-mát. 9 Suốt ba ngày, ông không nhìn thấy, cũng
chẳng ăn, chẳng uống.
10Bấy giờ ở Đa-mát có một môn đệ tên là Kha-na-ni-a. Trong một thị kiến, Chúa phán với ông:
“Kha-na-ni-a!” Ông thưa: “Dạ, lạy Chúa, con đây.” 11 Chúa
bảo ông: “Đứng lên, đi tới phố gọi là Phố Thẳng, đến nhà Giu-đa tìm một người
tên là Sao-lô quê ở Tác-xô: người ấy đang cầu nguyện 12 và
thấy một người tên là Kha-na-ni-a đi vào, đặt tay trên mình để làm cho mình lại
thấy được.” 13 Ông Kha-na-ni-a thưa: “Lạy Chúa, con đã
nghe lắm kẻ nói về người ấy, về tất cả những điều ác người ấy đã làm cho dân
thánh Chúa tại Giê-ru-sa-lem. 14 Còn ở đây, người ấy được
các thượng tế cho quyền bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa.” 15 Nhưng
Chúa phán với ông: “Cứ đi, vì người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến
trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Ít-ra-en. 16 Thật
vậy, chính Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ người ấy phải chịu
vì danh Ta.” 17 Ông Kha-na-ni-a liền đi; ông vào nhà, đặt
tay trên ông Sao-lô và nói: “Anh Sa-un, Chúa đã sai tôi đến đây, Người là Đức
Giê-su, Đấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây. Người sai tôi đến để anh lại thấy được và để
anh được đầy Thánh Thần.” 18 Lập tức có những cái gì như
vảy bong ra khỏi mắt ông Sao-lô, và ông lại thấy được. Ông đứng dậy và chịu phép rửa. 19 Rồi
ông ăn và khoẻ lại. Ông ở lại Đa-mát với
các môn đệ mấy hôm, 20 rồi lập tức ông bắt đầu rao giảng
Đức Giê-su trong các hội đường, rằng Người là Con Thiên Chúa.
(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay có thể nói là trang
nhật ký rất ấn tượng về đời tư của Thánh Phao-lô, cuộc đổi đời của ông. Ông là một con người nhiệt thành với lề luật
của Do-thái giáo và tin chắc chắn vào những gì ông đã được dạy bảo từ bé, rằng:
chỉ sống theo giáo lý ấy mới làm cho ông trở thành người công chính, chỉ lối
sống ấy mới đem lại cho ông sự sống đích thực, chỉ con đường ấy mới dẫn ông đến
được với Thiên Chúa. Chính vì thế, ông
đã ra tay một cách nhiệt tình, bắt bớ, bỏ tù tất cả những ai nói khác với giáo
lý mà ông đã được dạy, chống lại tất cả những lai có những tư tưởng làm cho
Do-thái giáo, một niềm tin cổ kính và đồ sộ ấy bị sứt mẻ hay lung lay. Mà nhóm tín đồ đang làm cho niềm tin Do-thái
giáo ấy bị sứt mẻ chính là những người theo Giêsu, một người đã bị các tư tế và
luật sĩ của ông tẩy chay, và vừa giao nộp cho chính quyền La-mã tử hình; nhưng
nay, những người theo Giêsu lại rao giảng là Ngài vẫn sống, thậm chí Ngài là
Con Thiên Chúa. Lời chứng và sự rao
giảng của các Kitô hữu tiên khởi đã lay đến tận gốc rễ niềm tin Do-thái giáo trong
Phao-lô. Thế rồi, chính Chúa Giêsu đã
hiện ra với Phao-lô, khiến ông thay đổi hoàn toàn, trở thành một con người mới,
trở thành một tông đồ nhiệt thành, trở thành người tiên phong rao giảng Tin
Mừng cho dân ngoại, sẵn sàng chết vì Chúa Giêsu Phục Sinh. Đúng như Richard Rhor, một tu sĩ Dòng Phanxico
và là nhà thần học nổi tiếng hiện nay ở Mỹ nói: “Đúng vậy, sự biến đổi thường
mang tính chất rũ bỏ những gì cũ kỹ đã học hơn là học một cái gì mới, đó là lý
do tại sao các truyền thống tôn giáo gọi đó là ‘sự trở lại’ hay ‘sự hoán cải’ –
Yes, transformation is often more about
unlearning than learning, which is why the religious traditions call it ‘conversion’
or ‘repentance’.” Điều này có đang
xảy ra với tôi? Có một cái gì gọi là
thành kiến, cố hữu, mà tôi cứ bám mãi, khiến tôi an phận, khiến cuộc đời tôi
buồn tẻ, nhàm chán, trống rỗng, khiến tôi không có chỗ cho Chúa Thánh Thần hoạt
động, khiến tôi không thể đón nhận được ân sủng của Chúa? Tôi muốn nói gì và xin gì trong lúc này với
Chúa Giêsu Phục Sinh? Xin ơn hoán cải
chăng?
2. Điểm cũng rất đặt biệt trong bài đọc hôm nay đó là Chúa Giêsu Phục Sinh đến gặp Phao-lô trong một biến cố mà tôi không tưởng được; đó là, Phao-lô đang bách hại những người theo Chúa Giêsu. Có khi nào tôi nghĩ Chúa Giêsu Phục Sinh cũng đến với tôi trong những biến cố rất lạ như vậy, không phải là lúc tôi đang lành thánh, sống đạo tốt, hết mình phục vụ giáo xứ, chuyên cần cầu nguyện, nhưng là lúc tôi đang phạm tội, là lúc tôi vừa thất nghiệp, là lúc bác sĩ cho biết tôi bị ung thư, là lúc tôi bị người này lừa hết tiền, người kia đâm sau lưng, là lúc con tôi bỏ nhà ra đi, theo băng đảng, là lúc con tôi nói với gia đình rằng chúng là đồng tình luyến ái, là lúc gia đình tôi chia năm sẻ bảy…? Kinh Thánh dường như chỉ cho tôi đây là những lúc Chúa gọi tôi. Chúa thường đến với tôi trong những lúc tôi bấn loạn nhất và mời gọi tôi chuyển hướng, mời gọi tôi làm lại cuộc sống sao cho có Chúa hơn. Đây chính là những cuộc ngã ngựa mà tôi cần để ý và cần nhìn kỹ vào những kinh nghiệm ấy, tôi sẽ thấy việc Chúa làm thật nhiệm mầu, khôn ngoan, ngoài sự tưởng tượng của tôi. Đó chính là những cuộc trở lại thật sự mà C.S. Lewis (1898-1963), một văn sĩ và thần học gia có thể chỉ cho tôi biết đâu là cuộc trở lại thật và đâu là cuộc trở lại giả, ông nói: “Nếu cuộc trở lại không tạo ra một sự biến đổi bằng những hành động cụ thể thì tôi nghĩ ‘cuộc trở lại’ của người ấy chỉ là một sự tưởng tượng không hơn không kém – If conversion makes no improvements in a man’s outward actions then I think his ‘conversion’ was largely imaginary.”
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment