Monday, May 9, 2022

Thứ Ba Tuần IV Phục Sinh – Năm C –10-5-2022 – Lễ Thánh Damien Joseph de Veuster of Moloka’i

Thu Ba IV PS

Tông Đồ Công Vụ 11:19-26

19Hồi ấy, những người phải tản mác vì cuộc bách hại xảy ra nhân vụ ông Tê-pha-nô, đi đến tận miền Phê-ni-xi, đảo Sýp và thành An-ti-ô-khi-a.  Họ không rao giảng lời Chúa cho ai ngoài người Do-thái. 20 Nhưng trong nhóm, có mấy người gốc Sýp và Ky-rê-nê; những người này, khi đến An-ti-ô-khi-a, đã giảng cho cả người Hy-lạp nữa, loan Tin Mừng Chúa Giê-su cho họ. 21 Vì có bàn tay Chúa ở với họ, nên một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa.

22Tin ấy đến tai Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, nên người ta cử ông Ba-na-ba đi An-ti-ô-khi-a. 23 Khi tới nơi và thấy ơn Thiên Chúa như vậy, ông Ba-na-ba mừng rỡ và khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa. 24 Ông là người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin.  Và đã có thêm một đám rất đông theo Chúa.

25Ông Ba-na-ba trẩy đi Tác-xô tìm ông Sao-lô. 26 Tìm được rồi, ông đưa ông Sao-lô đến An-ti-ô-khi-a.  Hai ông cùng làm việc trong Hội Thánh ấy suốt một năm và giảng dạy cho rất nhiều người.  Chính tại An-ti-ô-khi-a mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Ki-tô hữu.

 (Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Trang nhật ký truyền giáo của Giáo hội sơ khai trong bài đọc hôm nay thật đẹp.  Các Kitô hữu bị bách hạn nên phải tản mác khắp nơi.  Nhưng đi đến đâu họ rao giảng về Chúa Giêsu Phục Sinh đến đó.  Họ bắt đầu từ những người đồng hương, đồng bào của họ.  Điều này cũng dễ hiểu, vì là cùng văn hóa, tiếng nói và lịch sử.  Kinh nghiệm của các Kitô hữu tiên khởi giúp tôi sống và ý thức rao giảng Tin Mừng về Chúa Giêsu Phục Sinh trong cuộc sống ngày nay như thế nào?  Tất nhiên, tôi phải bắt đầu từ gia đình tôi trước, từ những người trong xứ đạo tôi trước, từ những người đồng hương của tôi trước, nơi tôi rất quen với phong tục, tập quán, ngôn ngữ, nơi tôi có cùng câu chuyện vui buồn, nơi tôi quen biết nhiều người.  Tuy nhiên, để có thể làm được như các Kitô hữu tiên khởi và để có lòng nhiệt thành trong việc rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu phục sinh, tôi phải có kinh nghiệm gặp Chúa Giêsu Phục Sinh trước.  Một khi đã có kinh nghiệm gặp được Chúa Giêsu Phục Sinh, không một ai có thể im lặng, tựa như khi tôi yêu, tựa như khi tôi thành đạt một cái gì rất lớn.  Niềm vui gặp Chúa Giêsu Phục Sinh sẽ cứ tuôn trào một cách tự nhiên và mạnh mẽ, không gì có thể đè nén nổi.  Tôi muốn ở bên Chúa Giêsu Phục Sinh, cảm nghiệm sự hiện diện của Ngài và nói chuyện với Ngài trong giây phút này. 

2.      Một ghi nhận thật quan trọng trong bài đọc hôm nay đó là, lần đầu tiên cộng đoàn Kitô hữu tại An-ti-ô-ki-a đã có tên gọi chính thức, “Kitô Hữu”.  Tên gọi này có được là do họ tin vào Chúa Kitô; điều đó cũng nói lên họ đã chọn Chúa Kitô là trung tâm đời sống của họ.  Đây có thể nói là tên khai sinh của Kitô Giáo, tên gọi này đã mau chóng lan rộng khắp nơi trên thế giới cho đến ngày nay.  Hôm nay đọc lại một mẩu chuyện về nhật ký Giáo hội thời sơ khai, cũng là nhật ký lịch sử đức tin của tôi, tôi muốn hỏi chính mình: Tôi đã gia nhập Kitô giáo bao lâu nay, tôi tin và yêu mến Chúa Kitô đến mức nào?  Tôi đã gia nhập Kitô giáo bao lâu nay, đời sống của tôi có thật sự có Chúa Kitô là trung tâm?  Tôi đã gia nhập Kitô giáo bao lâu nay, Kitô giáo quan trọng như thế nào đối với tôi?  Tôi trả lời với Chúa Kitô trong lúc này.  Henry Drummond (1851-1897) một nhà truyền giáo, nhà sinh vật học, nhà văn và nhà giảng thuyết nổi tiếng người Scottland, nói về sự quan trọng của việc chọn Chúa Kitô làm trung tâm đời sống của mọi Kitô hữu như sau: “Mỗi người đều có một nguồn mạch nội tâm; hãy để Chúa Kitô là nguồn mạch ấy.  Mỗi một sự kiện đều có một điểm nhấn, hãy để Chúa Kitô là điểm nhấn ấy – Every character has an inward spring; let Christ be that spring.  Every action has a keynote; let Christ be that note.”  Tôi sẽ chọn Chúa Kitô là nguồn mạch và điểm nhấn như thế nào trong ngày sống của tôi hôm nay?  Tôi cũng có thể nói chuyện với Chúa Kitô xem, Ngài muốn tôi để cho Ngài hiện diện ở những điểm nào trong đời sống của tôi.  Hãy cho phép Chúa Kitô được toại nguyện trong tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ 

0 comments:

Post a Comment