Gioan 12:44-50
44Khi ấy, Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào tôi, thì không phải là
tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi; 45 ai thấy
tôi là thấy Đấng đã sai tôi. 46 Tôi là ánh sáng, tôi đã
đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối. 47 Ai
nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người
ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. 48 Ai
từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy: chính
lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. 49 Thật
vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi,
truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. 50 Và tôi
biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như
Chúa Cha đã nói với tôi.”
(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Tôi có thể bị đánh động
ở cách giảng của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay: Ngài lớn tiếng (cried out)! Chúa Giêsu rất ít khi giảng như vậy. Trong toàn bộ Tân Ước chỉ có sáu lần các tác
giả phúc âm nhắc đến động từ: “lớn tiếng”, trong đó bốn lần từ Chúa Giêsu, một
lần từ người bị quỷ ám (Lc 8:28) và một lần từ Maria Ma-đa-lê-na, khi bà gặp
Chúa Giêsu sống lại (Ga 20:16). Trong bốn
lần từ Chúa Giêsu, chỉ có một lần trong Phúc âm Mát-thêu (Mt 27:46) và một lần
trong Phúc âm Mác-cô (Mc 15:34), trước khi Chúa Giêsu trút hơi thở trên thập
giá, hai lần còn lại là trong Phúc âm Gioan khi Chúa Giêsu giảng trong hội đường
(Ga 7:28) và khi Chúa Giêsu giảng những ai thuộc về đàn chiên của Ngài (Ga 12:44). Như vậy chỉ có Gioan mới nói Chúa Giêsu lớn
tiếng khi giảng về nguồn gốc của Ngài, nhưng dù cho Ngài có nói và giải thích
thế nào đi nữa họ cũng vẫn không tin, thậm chí còn tìm cách giết Ngài. Tôi dừng lại ở cách mô tả của Gioan về cách
giảng của Chúa Giêsu. Bình thường trong
cuộc sống, người ta chỉ lớn tiếng trước mặt người khác khi bị chống đối, bị chối
bỏ, không tin. Tôi muốn đi vào những cảm
nghiệm khắc khoải và mệt mỏi của Chúa Giêsu trước sự cứng lòng của người
Do-thái. Tôi có tin nhận Chúa Giêsu
không, sau khi tôi được biết Ngài đã dùng cả cuộc đời hy sinh, rao giảng, chữa
lành, đi đến với mọi người đau khổ, tranh đấu cho những người bị áp bức trong
xã hội, bị chết treo trên thập giá, sống lại để cứu độ tôi? Chúa Giêsu có phải lớn tiếng với tôi
không? Niềm tin này ảnh hưởng trên cuộc
sống của tôi ra sao, tạo sự biến đổi như thế nào trong môi trường sống
của tôi? Tôi gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu
như thế nào? Mary Evuarherhe nói: “Môn đệ
là người theo Chúa Giê-su một cách thân mật chứ không phải chỉ là vị khách cuối
tuần – A disciple is an intimate follower
of Jesus and not a weekend visitor.”
2.
Một lần nữa Chúa Giêsu khẳng định, Ngài không xét xử bất cứ ai, dù họ tin
hay không tin Ngài. Chính việc chối bỏ
niềm tin vào Ngài, tôi tự mang lấy những thiệt thòi ở đời này lẫn đời sau. Sự thiệt thòi do sống trong bóng tối của gian
dối, hận thù, chia rẽ, khép kín, mất tự do.
Chính những thiệt thòi này là bản án kết tội tôi. Tôi muốn nói chuyện với Chúa Giêsu và xin
được theo Ngài luôn. Tôi muốn kết thúc
giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Tin
hay Không Tin”, sáng tác của Nguyễn Lý, với sự trình bày của Vũ Khanh, qua
đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=s2Xpiw2IfUo
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment