Gioan 13:16-20
16Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giê-su nói: “Thật, Thầy bảo thật anh
em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai
đi. 17 Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành,
thì thật phúc cho anh em! 18 Thầy không nói về tất cả anh
em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy
đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm
sẻ bánh lại giơ gót đạp con. 19 Thầy nói với anh em điều
đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin
là Thầy Hằng Hữu. 20 Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón
tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng
đã sai Thầy.”
(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Phúc
âm Gioan thường được nhìn như hai tập rõ rệt: tập một được gọi là Sách về Những
Dấu Chỉ, 1:19-12:50; tập hai được gọi là Sách về Vinh Quang, 13:1-20:31. Tập một bao gồm những lời dạy và việc làm của
Chúa Giêsu bảy dấu chỉ, mà các Phúc âm Nhất Lãm gọi là những phép lạ; tập hai
bao gồm những lời trăn trối và việc làm cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi Ngài
bước vào cuộc tử nạn và phục sinh. Bài đọc
hôm nay nằm ngay sau việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, phần đầu của Sách
về Vinh Quang. Rửa chân cho các môn đệ
xong, Chúa Giêsu nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi
không lớn hơn người sai đi. Anh em đã
biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!” Những điều đó là những điều gì? Cử chị rửa chân của Chúa Giêsu là một việc
làm đầy khiêm nhường và tràn ngập yêu thương.
Phong tục thời bấy giờ, chỉ có đầy tớ và là đầy tớ người dân ngoại mới phải
rửa chân cho chủ. Đầy tớ mà là người
Do-thái thì được miễn, không phải làm việc này.
Mà dân ngoại là ai? Họ là những
người bị những người Do-thái ví ngang hàng với xúc vật. Như vậy Chúa Giêsu dù là Chúa, là Thầy, là
chủ của tôi, vậy mà Ngài đã cúi xuống như con ăn kẻ ở của tôi, thậm chí còn
thấp kém như đồ chó, để rửa chân cho tôi, tôi nghĩ gì về cử chỉ này? Có phải trong mọi vấn đề bế tắc của cuộc sống
đều đến từ cái tôi, từ sự thiếu khiêm nhường với Chúa, với tha nhân và với
chính mình? Tôi có thể bắt chước thái độ
khiêm nhường của Chúa Giêsu để đối xử với mọi vấn đề quanh tôi? Nếu tôi khiêm nhường được như Chúa Giêsu, tôi
sẽ làm được mọi việc, và như thế sẽ là phúc lớn cho tôi. Tôi khiêm nhường được không? Đủ không?
Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu xem sao.
2. Kế tiếp Chúa Giêsu nói: “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” Có điều gì lạ ở câu nói này? Lại là một câu nói rất khiêm nhường nữa. Nếu là chủ hoặc ra điệu kẻ cả, tôi sẽ nói: “Ai đón tiếp tôi thì cũng phải đón tiếp những của tôi!” Trong khi đó, Chúa Giêsu lại nói ngược lại. Ai đón tiếp những người của Ngài sẽ được kể như là đón tiếp Ngài và Chúa Cha. Như vậy, Chúa Giêsu tạo điều kiện cho tôi có thể làm những nghĩa cử tốt lành ở bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào. Bởi người nghèo, người đói khổ, những người thấp hèn luôn có ở quanh tôi ở mọi nơi và mọi lúc, còn Chúa thì tôi không dễ gì có thể nhận ra. Tôi thường đối xử với những người tầm thường quanh tôi như thế nào? Cách tôi đối xử với những người xung quanh, Chúa Giêsu kể là việc tôi làm cho chính Ngài và cho Chúa Cha. Thánh Bê-nê-đích-tô (480-547), một vị thánh rất nổi tiếng trong Giáo hội đã viết trong luật dòng của mình như sau: “Hãy tiếp đón mọi người như đón tiếp Chúa Kito, vì chính Ngài đã nói: Tôi là khách lạ và các con đã đón tiếp (Mt 25:35) – All guests who present themselves are to be welcomed as Christ, for he himself will say: I was a stranger and you welcomed me (Matt 25:35)”. Từ hôm nay, tôi muốn để ý và nhạy bén trong việc tiếp xúc mọi người với tất cả sự khiêm nhường và rộng mở, như thể họ là hiện thân của Chúa Giêsu trong cuộc đời này. Việc làm này không dễ chút nào, bởi biết đâu, lòng tốt của tôi có thể bị lợi dụng. Nên nhớ, sự tử tế có thể được diễn tả bằng nhiều hình thức, nhưng luôn luôn đến từ con tim. Tôi xin Chúa Giêsu giúp tôi có một tâm hồn quảng đại luôn.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment