Tông Đồ Công Vụ 15:1-2,22-29
1Hồi ấy, có những người từ miền Giu-đê đến An-ti-ô-khi-a dạy các anh em
rằng: “Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Mô-sê, thì anh em không
thể được cứu độ.” 2 Ông Phao-lô và ông Ba-na-ba chống đối
và tranh luận khá gay go với họ. Người
ta bèn quyết định cử ông Phao-lô, ông Ba-na-ba và một vài người khác lên
Giê-ru-sa-lem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận
này. 22 Bấy giờ các Tông Đồ và các kỳ mục, cùng với toàn thể
Hội Thánh, quyết định chọn mấy người trong các ông, để phái đi An-ti-ô-khi-a
với ông Phao-lô và ông Ba-na-ba. Đó là
ông Giu-đa, biệt danh là Ba-sa-ba, và ông Xi-la, những người có uy tín trong
Hội Thánh. 23 Các ông trao cho phái đoàn bức thư sau :
“Anh em Tông Đồ và kỳ mục chúng tôi
gửi lời chào anh em gốc dân ngoại tại An-ti-ô-khi-a, tại miền Xy-ri và
Ki-li-ki-a. 24 Chúng tôi nghe biết có một số người trong
chúng tôi, không được chúng tôi uỷ nhiệm, mà lại đi nói những điều gây xáo trộn
nơi anh em, làm anh em hoang mang. 25 Vì thế, chúng tôi đã
đồng tâm nhất trí quyết định chọn một số đại biểu, và phái họ đến với anh em,
cùng với những người anh em thân mến của chúng tôi là ông Ba-na-ba và ông
Phao-lô, 26 những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức
Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. 27 Vậy chúng tôi cử ông
Giu-đa và ông Xi-la đến trình bày trực tiếp những điều viết sau đây: 28 Thánh
Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác
ngoài những điều cần thiết này: 29 là kiêng ăn đồ đã cúng
cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian
dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi. Chúc anh em an mạnh.”
(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay đề cập đến một vấn đề tưởng là
xưa cũ, nhưng đó đây trong Giáo hội ngày nay vẫn xảy ra những chuyện tương tự. Ở đâu và thời nào cũng có những con người rất
khắt khe, giữ luật một cách máy móc và như là cùng đích của cuộc sống, thiếu sự
uyển chuyển, không có chỗ cho yêu thương và cảm thông. Những người Do-thái ngày xưa nào đó, không
được ủy thác, nhưng chỉ vì mộ đạo, đã rao giảng những sự khắt khe của lề luật
khiến cho cộng đồng Kitô hữu bị chia rẽ và hoang mang. Sự hoang mang lớn đến mức các tông đồ phải vào
cuộc, phải lên Giê-ru-sa-lem để giải quyết vấn đề. Tôi có thấy gia đình và cộng đoàn tôi cũng
đang có những xáo trộn và hoang mang về những cách thực hành đức tin, về chuyện
đi đứng trong nhà thờ, về chuyện giữ chay, về chuyện rước lễ…? Những xáo trộn và hoang mang đến từ đâu? Có phải từ sự thiếu lắng nghe nhau? Có phải từ sự cố chấp? Có phải từ sự bắt ai cũng phải giống tôi, không giống coi như là sai, không giống coi như là chia rẽ? Tôi đã làm gì và có thể làm gì để gia đình và
cộng đoàn được hòa hợp hơn? Tôi đọc lại
bài đọc trên và xin Chúa một hướng dẫn.
2.
Tôi để ý tinh thần cởi mở, yêu thương và uyển
chuyển, nhưng cũng rất cứng rắn của Phao-lô và Ba-na-ba trong cách hướng cộng
đoàn đến một sự tự do của lòng mến Chúa.
Các ngài quyết không đặt những gánh nặng nào lên đời sống đức tin của
các tín hữu, nhưng sự tự do và niềm tin vào Chúa Giêsu. Sự uyển chuyển, cởi mở và đầy yêu thương chỉ
có được khi tôi bám rễ thật sâu trong Chúa Giêsu Kitô. Nếu tôi không có một tương quan mật thiết với
Chúa Giêsu Kitô, tôi sẽ phải bám víu những ràng buộc của lề luật và những lễ nghi
bên ngoài. Tôi ngồi bên Chúa Giêsu trong
lúc này và tâm sự với Ngài tất cả những nỗi lòng của tôi về đời sống đức tin
trong gia đình và cộng đoàn của tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment