Wednesday, May 18, 2022

Thứ Năm Tuần V Phục Sinh – Năm C –19-5-2022

Thu Nam V PS

Tông Đồ Công Vụ 15:7-21

7Sau khi đã tranh luận nhiều, ông Phê-rô đứng lên nói với các Tông Đồ và các kỳ mục rằng: “Thưa anh em, anh em biết: ngay từ những ngày đầu, Thiên Chúa đã chọn tôi giữa anh em, để các dân ngoại được nghe lời Tin Mừng từ miệng tôi và tin theo. 8 Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can đã chứng tỏ Người chấp nhận họ, khi ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta. 9 Người không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ. 10 Vậy bây giờ, sao anh em lại thử thách Thiên Chúa, mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi? 11 Vả lại, chính nhờ ân sủng Chúa Giê-su mà chúng ta tin mình được cứu độ, cùng một cách như họ.”

12 Bấy giờ toàn thể hội nghị im lặng.  Họ nghe ông Ba-na-ba và ông Phao-lô thuật lại các dấu lạ điềm thiêng Thiên Chúa đã dùng hai ông mà làm giữa các dân ngoại.

13 Khi hai ông dứt lời, ông Gia-cô-bê lên tiếng nói: “Thưa anh em, xin nghe tôi đây: 14 Ông Si-môn đã thuật lại cho chúng ta rằng: ngay từ đầu, Thiên Chúa đã đoái thương chọn trong các dân ngoại một dân mang danh Người. 15 Những lời các ngôn sứ cũng phù hợp với điều ấy, như đã chép: 16 Sau đó, Ta sẽ trở lại, và sẽ xây dựng lại lều Đa-vít đã sụp đổ; đống hoang tàn đó, Ta sẽ xây dựng lại, và Ta sẽ dựng lại lều ấy. 17 Như vậy các người còn lại và tất cả các dân ngoại được mang danh Ta sẽ tìm kiếm Chúa. Chúa phán như vậy,18 Người là Đấng cho biết những điều ấy tự ngàn xưa. 19 “Vì vậy, phần tôi, tôi xét là không được gây phiền hà cho những người gốc dân ngoại trở lại với Thiên Chúa, 20 nhưng chỉ viết thư bảo họ kiêng những thức ăn ô uế vì đã cúng cho ngẫu tượng, tránh gian dâm, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết và kiêng ăn tiết. 21 Thật vậy, từ những thế hệ xa xưa, trong mỗi thành ông Mô-sê đều có những người rao giảng: họ đọc lời của ông trong các hội đường mỗi ngày sa-bát.”

(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay thật thú vị, đề cập đến những vấn đề rất thiết thực trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi.  Ở đâu cũng vậy, thời nào cũng thế, và đối với bất cứ tổ chức nào khi mỗi ngày mỗi phát triển thì đều nảy sinh những vấn đề mới.  Để sống còn và phát triển tốt, người ta cần phải đặt ra, cắt bỏ hoặc điều chỉnh những quy luật trong động đoàn sao cho phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu mới.  Bài đọc hôm nay đề cập đến hững việc căn bản trong đời sống đức tin, và các Kitô hữu đã cùng với các lãnh đạo của họ là các tông đồ cầu nguyện, bàn bạc, tranh cãi, lắng nghe để đưa ra những giải pháp cho những hoàn cảnh mới.  Như vậy, tính hiệp hành đã có từ ban đầu trong đời sống của Giáo hội.  Bắt đầu từ ngày 10 tháng 10, 2021, ĐGH Phan-xi-cô đã mời gọi mọi thành phần dân Chúa cùng nhau tham gia chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới, năm 2023, với chủ đề: “Vì Một Giáo Hội Hiệp Hành – Hiệp Thông, Tham Dự và Sứ Vụ - For a Synodal Church: Communion, Participation, Mission.”  Vậy mà đã có những người chống đối và càm ràm về lời mời gọi của ĐGH Phan-xi-cô.  Đồng ý, “Hiệp Hành” là một động từ rất mới, thậm chí chưa xuất hiện trong bất cứ tự điển Việt Nam nào, nhưng hiệp hành không phải là một việc làm mới, ĐGH Phan-xi-cô chỉ tiếp tục một truyền thống của Giáo hội đã có từ ban đầu.  Tôi cộng tác với lời mời gọi của ĐGH Phan-xi-cô như thế nào?  Đâu là những vấn đề mà Giáo hội đang phải đối diện hôm nay?  Đâu là những vấn đề Giáo hội cần có những thay đổi và thích nghi cho những nhu cầu hiện nay?  Tôi muốn cầu nguyện và hiệp hành cùng Giáo hội cho những thao thức hiện nay của Giáo hội.

2.      Bài đọc hôm nay thật đẹp ở trong cách các Kitô hữu tiên khởi hiệp hành với nhau.  Trước hết là họ cầu nguyện, lắng nghe Chúa nói, để ý việc làm của Chúa nơi mỗi người mỗi khác, sau đó họ bàn thảo, mở lòng để trở nên nhạy bén hơn với những nhu cầu của cộng đoàn.  Đâu là những gánh nặng và ràng buộc không cần thiết, phải rũ bỏ?  Mục đích mà họ nhắm tới, không phải là lề luật mà là một sự tự do khi gặp Chúa Kitô Phục Sinh.  Tôi có thể bắt chước cách thức hiệp hành của các Kitô hữu tiên khởi, để áp dụng cho những vấn đề của cuộc sống hôm nay trong gia đình và cộng đoàn tôi?  Đâu là những gánh nặng tôi đang áp đặt trên những người xung quanh, thậm chí nhiều khi những gánh nặng ấy chính tôi cũng không vác được, trong khi đó tôi lại bắt người khác phải vác?  Đâu là trọng tâm mà tôi cần hiệp hành: Chúa Giêsu, sự tự do, bình an, yêu thương, hay lề luật, sự ràng buộc, tính khắt khe cằn cỗi và thiếu yêu thương?  Tôi cầu nguyện với Chúa Giêsu Phục Sinh trong lúc này cho những hướng đi khôn ngoan trong gia đình và cộng đoàn của tôi.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment