Gioan 19:25-27
25Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có
thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà
Ma-ri-a Mác-đa-la. 26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến
đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của
Bà." 27 Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của
anh." Kể từ giờ đó, người môn đệ rước
bà về nhà mình.
(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm
Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Có lẽ
văn hóa nào cũng trân quý hình ảnh của người mẹ. Mẹ không chỉ là một hình ảnh thật thân thương,
rất ấn tượng, nhưng mỗi khi nói đến mẹ, nhớ về mẹ, mẹ dường như hóa thiêng
trong tâm hồn của hầu hết mọi người. Bởi
vậy, Mẹ Maria cũng đóng một vai trò thật thân thương, đầy trìu mến và rất thánh
thiêng trong Giáo hội. Nếu Giáo hội là
nhiệm thể của Chúa Kitô, mà Mẹ Maria là Mẹ đã sinh ra Chúa Cứu Thế, vậy Mẹ cũng
là Mẹ của Giáo hội. Hôm nay là ngày lễ mừng
Mẹ là Mẹ của Giáo hội và trong Tháng Mân-côi, tháng dành riêng để kính Mẹ, tôi
muốn dành những giây phút này để ở bên Mẹ, nói chuyện, thân thưa với Mẹ, như một
người con ép lòng bên mẹ. Tôi có thể
chào Mẹ với Kinh Kính Mừng bằng tất cả sự trang trọng, không máy móc qua loa
như mọi lần tôi vẫn lần chuỗi. Tôi để ý Mẹ
vui vì tôi tin tưởng và đang muốn ở bên Mẹ; đặc biệt, Mẹ rất vui như thế nào vì
tôi cho Mẹ thời gian để Mẹ được ở bên tôi trong giây phút này.
2. Bài đọc hôm nay cho tôi biết, Mẹ đã đứng dưới chân thập giá, quặn đau và cảm thông với đau khổ cũng như cái chết của Chúa Giêsu, con của Mẹ. Đây là một hình ảnh rất thực về tình mẫu tử. Người mẹ nào cũng luôn muốn ở bên con, đặc biệt những khi con đau khổ, để chia sẻ, để đỡ nâng những đau khổ của con. Mẹ Maria đã không chỉ đứng một lần dưới chân thập giá năm xưa, Mẹ vẫn hiện diện bên con cái của Mẹ khắp nơi mỗi khi có đau khổ. Trong mọi cuộc hiện ra của Mẹ được ghi nhận trong lịch sử trên toàn thế giới, lần nào Mẹ hiện ra cũng là lúc con cái Mẹ đang bị bắt bớ và đau khổ. Cụ thể đối với người Công giáo Việt Nam, đó là hình ảnh Mẹ La-vang, cùng những lần loạn lạc vì chiến tranh và vượt biên, Mẹ đã luôn ở bên con cái của Mẹ để bảo vệ, nâng đỡ và an ủi. Có một nỗi khổ, bận tâm nào trong lúc này mà tôi muốn Mẹ biết không? Tôi muốn nói gì và chia sẻ gì với Mẹ trong lúc này? Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng lời kinh sau đây: “Lạy Nữ Vương gia đình Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn sướng khổ mẹ con cùng nhau chia sẻ. Xa mẹ chúng con biết cậy trong ai. Đời chúng con gian nan khổ sở lắm. Gia đình chúng con long đong tối ngày nhưng có mẹ ở bên chúng con, chúng con thấy quên hết ưu phiền, vui sống qua kiếp lưu đày. Mong ngày sau sung sướng cùng mẹ muôn đời trên Thiên Đàng. A-men”
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment