Mát-thêu 28:16-20
16Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. 17Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài
nghi. 18Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy
đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm
phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và
đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay có thể mang một ý nghĩa thật gần với đời sống của
tôi. Chúa Giesu Phục Sinh đã mời gọi các
môn đệ đến Ga-li-lê và từ đó Ngài sai họ đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ga-li-lê là gì và ở đâu, sao Chúa Giesu lại
muốn họ về đó? Chúa có thể sai họ đi ở bất
cứ chỗ nào kia mà? Ga-li-lê chính là nơi
các môn đệ đã sinh ra, lớn lên, lập thân, lập nghiệp và là lần đầu tiên họ gặp Chúa
Giesu, nơi đó họ được chứng kiến những phép lạ Ngài làm, được nghe Ngài dạy. Chúa Giesu muốn gặp họ ở đó và sai họ đi sứ vụ
từ đó. Như vậy, công cuộc rao giảng Tin Mừng
phải bắt đầu, trước nhất từ nhà của tôi, nơi tôi rất quen thuộc, nơi mọi người
thân của tôi ở đó, đó chính là Ga-li-lê.
Nếu tôi không gặp Chúa ở ngay tại Ga-li-lê của tôi, nhà của tôi, gia
đình của tôi, tôi sẽ chẳng gặp được Chúa Giesu Phục Sinh ở bất cứ nơi nào
khác. Nếu tôi không bắt đầu rao giảng Tin
Mừng về Chúa Giesu Phục Sinh từ trong gia đình của tôi, đừng mong rao giảng Tin
Mừng về Chúa Giesu Phục Sinh ở bất cứ nơi nào khác. Điều này có thể nhắc nhở tôi về một câu nói của
Đức Khổng Tử mà nhiều người Việt Nam đã quen, đó là: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.” Tôi cần phải tề gia trước nhất, tức biến gia
đình tôi trở thành thiên đàng, trước khi giới thiệu thiên đàng đến những nơi
khác. Tôi muốn bắt đầu rao giảng Tin Mừng
Phục Sinh từ đâu và như thế nào, tôi nói chuyện với Chúa Giesu trong lúc này.
2.
Mát-thêu mở đầu phúc âm của ngài bằng chương một với câu nói: Người
ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1:23). Bài đọc hôm nay là những câu cuối cùng của Phúc
âm Mát-thêu, ngài cũng kết thúc phúc âm của ngài cũng cùng ý tưởng đó: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” Như vậy, Thiên
Chúa vẫn ở cùng tôi trong từng giây phút của cuộc sống, trong mọi hoàn cảnh của
ngày sống. Tôi nhận ra sự hiện diện của Ngài
không? Tôi có cảm thấy vững tin hơn khi
biết Chúa hằng ở với tôi, dù nghịch cảnh nào xảy đến trong ngày sống của tôi? Tôi muốn nói chuyện với Ngài trong giây phút
này.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment