Monday, May 3, 2021

Thứ Ba Tuần V Phục Sinh – Năm B –4-5-2021

Thu Ba V PS

Tông Đồ Công Vụ 14:19-28

19Bấy giờ có những người Do-thái từ An-ti-ô-khi-a và I-cô-ni-ô đến, thuyết phục được đám đông.  Họ ném đá ông Phao-lô rồi lôi ông ra ngoài thành, vì tưởng ông đã chết. 20 Nhưng khi các môn đệ xúm lại quanh ông, ông đứng dậy và vào thành.  Hôm sau, ông trẩy đi Đéc-bê cùng với ông Ba-na-ba.

21Sau khi đã loan Tin Mừng cho thành ấy và nhận khá nhiều người làm môn đệ, hai ông trở lại Lýt-ra, I-cô-ni-ô và An-ti-ô-khi-a. 22 Hai ông củng cố tinh thần các môn đệ, và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin. Hai ông nói: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa.” 23 Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin.

24Hai ông đi qua miền Pi-xi-đi-a mà đến miền Pam-phy-li-a, 25 rao giảng lời Chúa tại Péc-ghê, rồi xuống Át-ta-li-a. 26 Từ đó hai ông vượt biển về An-ti-ô-khi-a, là nơi trước đây các ông đã được giao phó cho ân sủng của Thiên Chúa để làm công việc vừa mới hoàn thành.

27Khi tới nơi, hai ông tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin. 28 Rồi hai ông ở lại một thời gian khá lâu với các môn đệ.

(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Sách Tông Đồ Công Vụ là quyển sách thứ năm trong Bộ Tân Ước và được cho là do Thánh Luca viết, người cũng đã viết Phúc âm Luca.  Sách Tông Đồ Công Vụ là những trang nhật ký truyền giáo của Giáo hội thời sơ khai, tập trung vào hai hành trình truyền giáo chính, đó là: Hành trình truyền giáo của Thánh Phê-rô cho những người Do-thái theo Chúa Giêsu (ch. 1-12), và hành trình truyền giáo của Thánh Phao-lô cho những người dân ngoại theo Chúa Giêsu (ch. 13-28).  Bài đọc hôm nay nằm trong những giai đoạn đầu hành trình truyền giáo của Phao-lô.  Đọc lại các hành trình truyền giáo của Giáo hội sơ khai, tôi có thể thấy các ngài bị bắt bớ và xua đuổi đủ đường, từ thành này qua thành khác.  Tuy vậy, họ vẫn không bỏ cuộc, dù có phải chết vẫn không làm họ sờn lòng.  Chỉ vì niềm tin của họ được xây dựng trên nền tảng tình yêu thân mật với Chúa Giêsu.  Đức tin của họ là những kinh nghiệm cá vị với Ngài.  Cho nên dù như thế nào, ngay cả phải chết, họ vẫn không thể chối bỏ niềm tin và tình yêu với Chúa Giêsu.  Tôi thấy gì và học được gì ở các nhà truyền giáo tiên khởi này?  Các nhà truyền giáo đánh đổi cả mạng sống của họ để giữ vững niềm tin vào Chúa Giêsu.  Tôi đang đánh đổi những gì cho niềm tin của tôi hôm nay?  Phải chăng, có những khi tôi đã sợ mất thì giờ để cầu nguyện?  Phải chăng, có nhiều khi tôi đã đánh đổi cả đức tin vào Chúa Giêsu để chỉ được một vài lợi lộc vật chất, những giá trị trần thế?  Tôi muốn dành giây phút này suy nghĩ và cầu nguyện về đời sống đức tin của tôi. 

2.      Tôi muốn đọc lại những dòng nhật ký trên và để ý những hy sinh, quyết tâm, và dấn thân vì đức tin của Phao-lô cũng như các Kitô hữu tiên khởi cho niềm tin vào Chúa Giêsu.  Tôi muốn xin cho được một niềm tin mạnh mẽ, một lòng đạo quả cảm, một tâm hồn quảng đại dám dấn thân cho niềm tin giữa cuộc sống hôm nay.  Tôi có thể nói chuyện, tìm sức mạnh cũng như nguồn cảm hứng về đức tin từ Phao-lô, người đã từng bị ném đá đến chết, nhưng ngay sau đó vẫn đi rao giảng tin mừng; bị tù đầy, nhưng sau khi được thả lại tiếp tục rao giảng tin mừng; bị chống đối oan ức và hiểu lầm từ những người đồng đạo, nhưng vẫn tiếp tục rao giảng tin mừng.  Có khi nào tôi đã bị chống đối và hiểu lầm về đức tin từ những người trong giáo xứ, trong gia đình, bị bắt bớ và chống đối từ những người ngoài Giáo hội?  Tôi phản ứng như thế nào những lúc đó?  Đức tin đã giúp gì cho tôi những lúc đó?  Tôi đã buông xuôi, bỏ cuộc, giận ghét và chán nản, hay vẫn một lòng trung kiên trong niềm tin và theo đuổi những lời mời gọi của Tin Mừng?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này về niềm tin của tôi?           

Phạm Đức Hạnh, SJ 

0 comments:

Post a Comment