Saturday, May 1, 2021

Chúa Nhật Tuần V Phục Sinh – Năm B –2-5-2021

CN V PS 

1 Gioan 3:18-24

18Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. 19 Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa. 20 Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự. 21 Anh em thân mến, nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta, chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa. 22 Và bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho, bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý Người. 23 Đây là điều răn của Người: chúng ta phải tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta. 24 Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa
và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.  Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta.

(Trích Thư Gioan I, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm hôm nay trích từ Thư I Gioan.  Thư này được soạn ra vào khoảng những năm 85-90.  Thư này có sự mở đầu và kết cấu đột ngột, không nói tác giả là ai.  Bởi thế, cho đến hôm nay vẫn còn tranh cãi, ai thực sự là tác giả của ba thư này.  Nhiều người cho rằng, ba thư Gioan đều có cách viết và ngôn từ giống Phúc âm Gioan cho nên là của Tông đồ Gioan, người đã viết Phúc âm Gioan.  Tuy nhiên, những người khác cho rằng, ba thư này không phải do Gioan viết mà là các môn đệ của Gioan viết; bởi vì, ba thư chỉ có những tâm tình và cách dùng chữ tựa như cách viết của Gioan, chứ không giống hoàn toàn.  Ba thư của Gioan còn có một liên hệ đặc biệt với Giáo hội Công giáo.  Ba thư Gioan cùng với thư Gia-cô-bê, hai thư của Phê-rô và thư của Giu-đa được xem là bảy thư của Công giáo, được xếp vào áp chót trong danh sách các sách của Bộ Tân Ước, trước khi có sự đồng ý của cả hai Giáo hội Đông Phương và Tây Phương vào năm 367.  Trong suốt thế kỷ thứ hai và ba, chỉ có Thư I Gioan và Thư I Phê-rô là được giáo hội phổ quát nhìn nhận.  Trong thời kỳ đầu ấy, Bộ Tân Ước gồm nhiều ít các sách và các thư khác nhau, tùy mỗi cộng đoàn.  Thư Gioan I, bài đọc hôm nay, được viết như những lời khuyên hộ giáo, nhằm chống lại những tiên tri giả, còn được gọi là những tên phản Kitô, đang chống phá Giáo hội lúc bấy giờ.  Họ là những người lạc giáo, rời bỏ giáo hội và không nhìn nhận sự nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa.  Những người lạc giáo này, được xã hội rộng rãi hậu thuẫn, làm cho những người Kitô hữu chân chính bị lép vế, thua thiệt.  Những bè rối này cho rằng họ được mặc khải riêng, trực tiếp từ Chúa, và được Thiên Chúa sinh ra, nên cũng sở hữu sự tuyệt hảo của Chúa như: không mắc tội.  Họ tự đặt mình vượt trên các Điều răn.  Bởi vậy, toàn bộ lá thư là những lời khuyên dành cho các Kitô hữu hãy kiên trì diễn tả niềm tin đích thực vào Chúa Kitô bằng cách, sống yêu thương và hiệp nhất với nhau.

2.      Tôi muốn đọc lại những lời khuyên trên và cầu nguyện cho chính tôi biết trung thành và kiên trì diễn tả đức tin của tôi vào Chúa Kitô bằng đời sống bác ái mỗi ngày với mọi người mà tôi gặp gỡ và trong mọi môi trường mà tôi hiện diện, như tác giả của Thư Gioan khuyên: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.”  Tôi cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Giáo hội, đặc biệt ơn hoán cải đối với những người tự cho mình được mạc khải trực tiếp từ Trời, từ Chúa Cha, bất chấp những huấn quyền của Giáo hội, gây nên những chia rẽ mới trong Giáo hội.  Tôi cũng quyết tâm loại khỏi tôi những từ ngữ, những suy nghĩ cùng những lời đàm tiếu có thể gây chia rẽ trong gia đình, xứ đạo và Giáo hội của tôi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Bài Ca Hiệp Nhất,” của Thành Tâm, do Thanh Uyên trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=i76QLQDZiN0

Phạm Đức Hạnh, SJ


0 comments:

Post a Comment