Mác-cô 11:15-18
15Thầy trò đến Giê-ru-sa-lem. Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi
những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc, và xô ghế
của những kẻ bán bồ câu. 16 Người không cho ai được mang
đồ vật gì đi qua Đền Thờ. 17 Người giảng dạy và nói với họ:
“Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi
dân tộc sao? Thế mà các người đã biến
thành sào huyệt của bọn cướp!” 18 Các thượng tế và kinh sư
nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giê-su. Quả thế, họ sợ Người, vì cả đám đông đều rất
ngạc nhiên về lời giảng dạy của Người.
(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng
Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Nếu so sánh bài đọc hôm nay trong Phúc âm Mác-cô với cùng câu chuyện tẩy uế đền thờ này trong Phúc âm Gioan, tôi có thể thấy một sự khác biệt rõ rệt ở cách sắp đặt thứ tự các câu chuyện của Chúa Giêsu ở hai Phúc âm này. Phúc âm Gioan đặt câu chuyện tẩy uế đền thờ vào phần đầu của Phúc âm (Ga 2:12-22), trong khi đó Phúc âm Mác-cô đặt câu chuyện này ở phần cuối của Phúc âm (Mc 11:15-18), tức gần cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Như vậy, cách sắp đặt các câu chuyện trong Kinh Thánh là có chủ đích của tác giả. Câu chuyện tẩy uế đền thờ, trong bài đọc hôm nay, xảy ra khi Chúa Giêsu vừa vào thành Giê-ru-sa-lem và cũng ở lần đi này Ngài bị bắt và giết chết đúng như lời Ngài tiên đoán. Như vậy, việc tẩy uế đền thờ đối với Mác-cô như là việc làm quan trọng cần phải làm của Chúa Giêsu, sau ba năm rao giảng giáo lý mới và trước khi chết. Tôi nghĩ sao về việc Chúa Giêsu tẩy uế đền thờ? Nếu Thánh Phao-lô nói thân xác tôi là đền thờ của Chúa Thánh Thần (1 Cor. 6:19), vậy đền thờ là con người tôi có cần được Chúa Giêsu thanh tẩy không? Đền thờ tôi, tức tâm hồn tôi, có đang là nhà cầu nguyện hay đang là hang trộm cướp? Tôi có muốn thanh tẩy và sự thanh tẩy khẩn thiết như thế nào? Tôi đem cuộc sống của tôi và hỏi Chúa Giêsu trong lúc này, xem tôi cần được thanh tẩy như thế nào.
2.
Các thượng tế và kinh sư ghét cay ghét đắng Chúa Giêsu vì việc tẩy
uế đền thờ. Bởi vì việc đổi tiền và mua
bán trao đổi của lễ trong đền thờ đã là tập tục lâu đời của người Do-thái. Tập tục này không chỉ có lợi cho nồi cơm của
các kinh sư và thượng tế Do-thái, nhưng còn là gánh nặng trên mọi người dân Do-thái,
đặc biệt những người nghèo. Chính vì thế
mà các nhà lãnh đạo Do-thái đã ghét cay ghét đắng Chúa Giêsu và tìm cách giết Ngài. Có khi nào tôi cũng bảo thủ, cố chấp và không
muốn thay đổi một lối sống, cách thực hành đức tin, cách sống đạo và cầu nguyện
lỗi thời, dù Chúa Giêsu có mời gọi? Tôi
muốn xin Chúa Giêsu giúp tôi hiểu, mở lòng và nhìn ra đâu là những điều cần phải
thay đổi hoặc giữ lại; đồng thời có sức mạnh thay đổi những điều cần phải thay
đổi.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment