Tông Đồ Công Vụ 4:13-21
13 Bấy giờ, các thủ lãnh Do-thái, các kỳ mục và kinh sư ngạc nhiên khi
thấy ông Phê-rô và ông Gio-an mạnh dạn, và biết rằng hai ông là những người
không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân. Họ nhận ra hai ông là những người đã
từng theo Đức Giê-su; 14 đồng thời họ lại thấy người đã
được chữa lành đứng đó với hai ông, nên họ không biết đối đáp thế nào. 15 Họ
mới truyền cho hai ông ra khỏi Thượng Hội Đồng, và bàn tính với nhau. 16 Họ
nói: “Ta phải xử làm sao với những người này? Họ đã làm một dấu lạ rành rành: điều đó
hiển nhiên đối với mọi người cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, và ta không thể chối
được. 17 Nhưng để cho việc đó khỏi lan rộng thêm trong
dân, ta hãy ngăm đe, nghiêm cấm họ từ nay không được nói đến danh ấy với ai
nữa.”
18 Họ cho gọi hai ông vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên
tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giê-su nữa. 19 Hai ông
Phê-rô và Gio-an đáp lại: “Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi:
trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? Các ông thử xét xem! 20 Phần
chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói
ra.” 21 Sau khi ngăm đe lần nữa, họ thả hai ông về, vì
không tìm được cách trừng trị hai ông. Lý do là vì họ sợ dân: ai nấy đều tôn
vinh Thiên Chúa vì việc đã xảy ra.
(Trích Tông
Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Có hai điểm thật
thú vị có thể giúp tôi cầu nguyện từ bài đọc hôm nay. Thứ nhất, sự mạnh dạn và lòng nhiệt thành của
Phê-rô và Gioan trong việc rao giảng Chúa Giêsu Phục Sinh khiến mọi người ngỡ
ngàng đến sợ hãi, đặc biệt giới lãnh đạo đền thờ. Giới lãnh đạo đền thờ, những người thượng lưu
và có học thức, biết rõ hai vị tông đồ này là những người thất học và là những
người bình dân, thế mà họ chẳng làm gì được hai vị này, thậm chí còn sợ. Đây là điểm đáng cho tôi suy nghĩ trong giờ
cầu nguyện này. Hai vị tông đồ này tuy
thất học và bình dân, nhưng khi họ mở lòng ra và cộng tác với Thiên Chúa, cho Chúa
mượn cuộc đời họ, phép lạ xảy ra và không ai có thể dập tắt nổi. Đây là sự thật lịch sử đã và đang xảy ra
trước mắt toàn thể nhân loại trong hai ngàn năm qua. Bắt đầu từ lòng nhiệt thành của một nhóm nhỏ các
môn đệ của Chúa Giêsu, thế mà Chúa đã làm phát sinh một Giáo hội lớn mạn hơn 1
tỷ người trên thế giới hiện nay, dù cho có bị biết bao nhiêu những cuộc bách
hại đẫm máu, Giáo hội vẫn phát triển. Tôi
có tin Chúa có thể dùng tôi vào những việc lớn của Ngài không? Ngài có thể làm phép lạ gì nơi tôi không? Hãy nhìn vào hai vị tông đồ trên, nhìn vào
lịch sử Giáo hội và mở lòng ra với Thiên Chúa.
Chắc chắn vấn đề không phải là Chúa có thể làm gì với cuộc đời tôi cho
bằng, tôi có muốn, có quảng đại cộng tác với Chúa không. Tôi muốn nói chuyện với Chúa Giêsu Phục Sinh
trong lúc này.
2. Thứ hai, sự can đảm
và lòng nhiệt thành của Phê-rô và Gioan khiến các giới lãnh đạo đền thờ phải bó
tay là vì, hai vị này đã rao giảng về một Chúa Giêsu Phục Sinh từ chính kinh
nghiệm bản thân, chứ không từ những suy tư trên đầu của họ. Chỉ kinh nghiệm thật sự với Chúa Giêsu Phục Sinh,
chứ không phải những suy tư về Ngài, mới có sức thuyết phục, mới tạo nên những
biến đổi nơi lòng người. Tôi kinh nghiệm
về Chúa Giêsu Phục Sinh như thế nào, hay tôi chỉ nghĩ về Ngài, nghe về Ngài hay
mơ tưởng về Ngài? Tôi chỉ có thể kinh
nghiệm về Chúa Giêsu Phục Sinh nhờ mỗi ngày tôi nói chuyện với Ngài, ở bên Ngài. Bắt đầu từ hôm nay, mỗi ngày tôi muốn tìm giờ
để ở bên Chúa Giêsu Phục Sinh và nói chuyện với Ngài một cách thân tình.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment