Luca 24:35-48
35Khi ấy, hai môn đệ từ
Em-mau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra
Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. 36 Các ông còn đang nói, thì
chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” 37 Các
ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người
nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em
còn ngờ vực? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây
mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt
như anh em thấy Thầy có đây?” 40 Nói xong, Người đưa tay
chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng
quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” 42 Các
ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và
ăn trước mặt các ông. 44 Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em,
Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn
Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” 45 Bấy
giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người
nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ
ba, từ cõi chết sống lại; 47 phải nhân danh Người mà rao
giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha
tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.”
(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm
Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Câu chuyện của bài đọc hôm nay là một trong những kinh nghiệm động trời
mà các môn đệ đã trải qua vào ngày Thứ Nhất trong tuần. Hôm nay đã là Chúa Nhật Thứ III kể từ Chúa Nhật
Phục Sinh, tức ba tuần lễ rồi mà Giáo hội vẫn chưa kể hết những chuyện xảy ra
trong ngày Thứ Nhất của Tuần Phục Sinh. Điều
này nói lên hai sự thật: Thứ nhất, trong cùng một ngày đã có quá nhiều biến cố
và kinh nghiệm về Chúa Giêsu Phục Sinh mà các môn đệ đã trải nghiệm; thứ hai, Giáo
hội muốn tôi cảm nghiệm thật kỹ, thật sâu từng biến cố một, không để “lãng phí”
một chi tiết nào, hay coi thường một biến cố phục sinh nào. Bởi chính những kinh nghiệm về Chúa Giêsu Phục
Sinh mà Giáo hội đã phát triển và tiếp tục hiện hữu; đồng thời, tôi tìm thấy
được ý nghĩa sống của từng biến cố lớn nhỏ trong cuộc đời của tôi cũng nhờ Chúa
Giêsu Phục Sinh. Tôi cũng muốn bước vào
giờ cầu nguyện này, suy niệm về biến cố phục sinh của Chúa Giêsu một cách
nghiêm túc. Chúa Giêsu phục sinh có ý
nghĩa gì đối với tôi? Chúa Giêsu phục
sinh với những vết thương trên thân thể Ngài mang ý nghĩa gì đối với tôi? Chúa Giêsu hiện đến giữa các môn đệ, không có
thân xác, mang ý nghĩa gì đối với tôi? Chúa
Giêsu hiện đến giữa các môn đệ và chúc bình an chọ họ, khi họ đang sống trong
nỗi thất vọng, sợ hãi, hoang mang và mất phương hướng mang ý nghĩa gì đối với
tôi? Tôi kinh nghiệm về Chúa Giêsu Phục Sinh
trong từng ngày sống của tôi như thế nào?
2.
Nếu tôi có thể trả lời những câu hỏi trên, tôi có thể sẵn sàng lên đường
với lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Chính các
con là chứng nhân về những điều này!”
Tôi sẵn sàng làm chứng về Chúa Giêsu Phục Sinh trong ngày hôm nay ở
những nơi đâu và bằng cách nào? Tôi nói
chuyện với Chúa Giêsu trước khi bắt đầu một ngày mới của tôi. Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài
hát, “Alleluia! Chúa Đã Phục Sinh,” sáng tác của Anton Tiến
Linh, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=4GmjzCBpOR4
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment