Monday, April 12, 2021

Thứ Ba Tuần II Phục Sinh – Năm B –13-4-2021

Thu Ba II PS

Tông Đồ Công Vụ 4:32-37

32Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý.  Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. 33 Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại.  Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng. 34 Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, 35 đem đặt dưới chân các Tông Đồ.  Tiền ấy được phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. 36 Ông Giô-xếp, người được các Tông Đồ đặt tên là Ba-na-ba, nghĩa là người có tài yên ủi, có một thửa đất. Ông là một thầy Lê-vi quê quán ở đảo Sýp. 37 Ông bán đất đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ.

(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một hình ảnh tuyệt đẹp về đời sống của các Kitô hữu tiên khởi, nên thật đáng cho tôi suy niệm trong giờ cầu nguyện này.  Ba yếu tố làm nên cộng đoàn tuyện đẹp này: niềm tin vào Thiên Chúa, sự tin tưởng lẫn nhau và tình yêu liên đới với mọi người.  Thiếu một trong ba yếu tố này sẽ không bao giờ có được một cộng đoàn tuyệt đẹp như thế này.  Cách đây gần 200 năm, 1848, Karl Marx và Friedrich Engels đã đưa ra 25 nguyên tắc làm nền cho chủ thuyết Cộng sản, nhằm giải phóng giai cấp vô sản, tạo nên một thế giới huynh đệ đại đồng, trong đó không ai được quyền sở hữu riêng, mọi sự được gom lại làm của chung, mọi người làm theo khả năng và hưởng theo nhu cầu.  Lý thuyết này nghe không khác gì lối sống của các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi.  Tuy nhiên, thể chế Cộng sản thay vì tạo ra một thế giới huynh đệ đại đồng, họ đã gieo rắc không biết bao nhiêu thảm họa huynh đệ tương tàn trên thế giới, để rồi dẫn đến cả khối Cộng sản Đông âu sụp đổ, năm 1989.  Hiện nay trên thế giới, chỉ còn năm nước mệnh danh là Cộng sản, nhưng đó chỉ là tên gọi; thực chất, đó là những thể chế độc tài dung dưỡng cho những nhóm lợi ích tư sản đỏ, không còn một dấu vết nào của học thuyết vô sản.  Tại sao Cộng sản thất bại; trong khi đó, lối sống của các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi vẫn còn duy trì trong Giáo hội cho đến ngày nay tại các dòng tu?  Đó là vì những người Cộng sản chủ trương không tin vào Thiên Chúa.  Không có Thiên Chúa, người ta sẽ rất khó tin nhau.  Không tin nhau, người ta cũng không thể yêu nhau; thậm chí, người ta có thể làm bất cứ điều gì, dù ác đến đâu, miễn sao có lợi cho bản thân và luồn lách được pháp luật.  Tuy nhiên, nhìn vào sự sụp đổ của thế giới Cộng sản, tôi cũng phải nhìn vào thế giới của tôi: gia đình.  Gia đình tôi tự hào là gia đình Kitô hữu, nhưng thật sự Chúa Kitô có là trung tâm điểm của gia đình không?  Không có Chúa Kitô trong gia đình, chuyện nghi ngờ và ẩu đả nhau là chuyện đương nhiên; gia đình không còn coi mọi sự là của chung nữa, nhưng vợ chồng mỗi người mở một nhà băng, mỗi người giữ tiền riêng cho mình, mỗi người có một thế giới riêng không thể san sẻ.  Không có Chúa Kitô, vợ chồng rất khó giải hòa mỗi khi có xung đột, cha mẹ không thể nói chuyện với con cái, con cái cũng khó có lòng kính trọng cha mẹ.  Tôi muốn nhìn vào gia đình của tôi xem, có đang thiếu những yếu tố nào khiến cho mọi thành phần trong gia đình mất tin tưởng và yêu thương nhau?  Đâu là những nguy cơ đang dẫn đến sự đổ vỡ trong gia đình của tôi?

2.      Tôi đọc lại bài đọc trên và để ý gia đình tôi khác cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi ở những điểm nào?  Đâu là những điểm mạnh trong gia đình tôi?  Đâu là những điểm Chúa đang mời gọi tôi phải lưu tâm hơn?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu và xin Ngài giúp tôi dám kiến tạo một gia đình: có Chúa, có sự tin tưởng lẫn nhau và có yêu thương.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment