Friday, April 2, 2021

Thứ Bảy Tuần Thánh – Năm B –3-4-2021 – Tam Nhật Thánh

Thu Bay TT 

Mác-cô 16:1-8

1Hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su. 2 Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ. 3 Các bà bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” 4 Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. 5 Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ. 6 Nhưng người thanh niên liền nói: “Đừng hoảng sợ!  Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì!  Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa.  Chỗ đã đặt Người đây này! 7 Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông.  Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông.” 8 Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía.  Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay đầy những cảm xúc lẫn lộn.  Trước hết, tác giả kể rằng: “Sáng sớm tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ.”  Trong một câu rất ngắn, Mác-cô đã cho tôi thấy được rất nhiều về tâm trạng của các bà.  Thứ nhất, đó là niềm vui vì ngày sa-bát đã chấm dứt; nhờ vậy, các bà có thể đi lại và làm nhiều điều mà không sợ phạm luật.  Chính vì thế mà họ đã ra mộ ngay khi được phép.  Cách mô tả của Mác-cô còn cho tôi thấy, có thể các bà đã bàn bạc với nhau từ đêm trước, hoặc có thể đã bồn chồn, thấp thỏm, chờ đợi suốt đêm xem sẽ làm gì với xác Chúa Giesu ngay khi luật cho phép.  Thứ hai đó là tình yêu, sự gắn bó của các bà dành cho Chúa Giêsu rất lớn; các ông không được nồng nàn và săn đón như các bà.  Kế đến, các bà vừa đi vừa lo lắng, không biết có ai lăn tảng đá khỏi cửa mồ giùm họ.  Dù lo lắng, các bà không bỏ cuộc; trái lại, vẫn đi như đã bàn bạc với nhau trước khi lên đường.  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn đi vào tâm tư tình cảm các bà dành cho Chúa Giêsu, qua đó tôi có thể thấy rõ hơn tình cảm và tương quan giữa tôi với Chúa như thế nào.  Tôi có thể hỏi: Tại sao chỉ có các bà ra mộ mà không có các ông?  Các bà đã có những mong đợi và suy nghĩ gì trong việc ra mộ sớm như vậy?  Các bà nói gì trên đường ra mộ?  Chúa Giêsu là ai đối với các bà?  Trên đường ra mộ, họ có nghĩ là Chúa Giêsu vẫn chết trong mồ, hay đã sống lại?

2.      Bài đọc hôm nay kết thúc: Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía.  Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.  Đây cũng là điểm kết của Phúc âm Mác-cô.  Nếu xem Phúc âm Mác-cô, tôi sẽ thấy Phúc âm này còn kéo dài đến câu 20, chứ không dừng lại ở câu 8 như trong bài đọc hôm nay.  Các nhà chú giải cho rằng, Phúc âm Mác-cô thực sự đã kết thúc ở câu 8, phần tiếp theo từ câu 9-20 nói về việc Chúa Giêsu Phục sinh đã hiện những lần khác nữa với những người khác, là do người nào đó hoặc cộng đoàn nào đó đã thêm vào sau này.  Nếu giả thiết của các học giả về điểm kết Phúc âm Mác-cô ở câu 8 là đúng, tôi có thể khẳng định việc Chúa Giêsu sống lại là không chắc chắn lắm.  Bởi biến cố mộ trống không đủ bằng chứng để nói rằng Chúa Giêsu đã thực sự sống lại.  Vậy để tốt cho đức tin của tôi, tôi có thể đặt ra nhiều câu hỏi, chẳng hạn: Chúa Giêsu có thật sự sống lại không?  Nếu Chúa Giêsu không sống lại, tức là chẳng cứu độ gì tôi và như thế cũng chẳng có sự sống đời sau, vậy cuộc đời tôi đã có thể thay đổi như thế nào, có hy vọng nào và có ý nghĩa gì?  Nếu Chúa Giêsu không sống lại, cuộc đời tôi sẽ đi về đâu, mọi hy sinh và khó nhọc của tôi ở cuộc đời này có ý nghĩa gì?  Nếu Chúa Giêsu đã sống lại cuộc đời tôi có ý nghĩa gì, thúc bách tôi sống ra sao?  Tôi trả lời với chính mình những câu hỏi này xem.  Tôi có thể hỏi trực tiếp Chúa Giêsu những câu hỏi này và xem Ngài trả lời tôi ra sao.     

Phạm Đức Hạnh, SJ           

0 comments:

Post a Comment