Gioan 20:1-9
1Sáng sớm ngày thứ
nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy
tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn
Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi
mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” 3 Ông Phê-rô và
môn đệ kia liền đi ra mộ. 4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. 5 Ông
cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6 Ông
Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng
vải để ở đó, 7và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một
nơi. 8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng
đi vào. Ông đã thấy và đã tin. 9 Thật vậy, trước đó, hai ông
chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.
(Trích Phúc
âm Gioan,
bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Hôm nay Chúa Nhật Phục
Sinh, bắt đầu Mùa Phục Sinh. Các bài đọc
trong những tuần này tập trung vào những vào kinh nghiệm mà các Kitô hữu tiên
khởi đã có về Chúa Giêsu Phục Sinh. Thật,
không khác gì những cách kể chuyện của bất kỳ ai ngày nay về những biến cố kỳ lạ
trong đời. Có ai đã bao giờ chứng kiến
người nào đó bị đánh bầm dập, chết tất tưởi và được chôn trong mồ mà lại sống lại
đâu? Thế mà, hôm nay lại có chuyện Đức Giêsu
sống lại. Điều này, chắc chắn, sẽ thu
hút sự chú ý của tất cả mọi người, những người yêu Ngài đã đành, kể cả những kẻ
ghét và chống đối Ngài. Ai ai biết hoặc
nghe được câu chuyện này cũng muốn kể cho người khác nghe. Mỗi người sẽ kể bằng tất cả những cách thức
riêng, với sự hiểu biết, tính gạn lọc, đôi khi cũng “thêm mắm thêm muối” cho
câu chuyện được diễn tả đúng những suy nghĩ và chủ đích của mình. Cụ thể, bài đọc lễ Vọng Phục Sinh hôm qua, Mác-cô
nói: từ tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, các bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a
mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê đem
dầu thơm ra mộ để ướp xác Chúa Giêsu, thấy tảng đá cửa mồ đã được lăn ra, gặp
thiên thần báo Chúa Giêsu đã sống lại và họ sợ kinh hồn. Trong khi đó bài đọc hôm nay, Gioan kể, Ma-ri-a Mác-đa-la ra
mộ và thấy tảng đá lấp cửa mồ đã được lăn ra, chẳng thấy xác Chúa, cũng chẳng gặp
thiên thần, bà vội chạy về báo cho Phê-rô và người môn đệ Chúa yêu biết hình
như có người ăn cắp xác Chúa rồi. Tôi sẽ
gặp rất nhiều những điểm chung và điểm khác biệt trong các trình thuật phục
sinh. Không phải là người này nói đúng,
người kia kể sai; hay người này bịa chuyện, còn người khác trung thực, nhưng là
mỗi người có một chủ đích và cách hiểu khác nhau về biến cố phục sinh, và đặc
biệt tùy theo kinh nghiệm mà Chúa cho họ trải nghiệm. Chưa hết, các phúc âm mà tôi có được ngày nay
đều được viết ra, ít nhất là 30 năm sau khi Chúa Giêsu đã phục sinh. Vì thế, các câu chuyện của các tác giả Tin Mừng
là một tổng hợp của nhiều kinh nghiệm từ nhiều người kể lại. Như vậy, giờ cầu nguyện hôm nay cũng có thể
là giây phút tôi muốn viết một Tin Mừng cho riêng tôi về Chúa Giêsu phục
sinh. Theo tôi, Tin Mừng Phục Sinh phải
được viết như thế nào, bắt đầu ra sao, và dựa vào những kinh nghiệm đáng tin cậy
nào, của ai, của tôi?
2.
Một điểm đặc biệt trong Phúc âm Gioan đó là
tác giả không nói tên của người môn đệ được Chúa Giêsu yêu. Người môn đệ này xuất hiện năm lần ở những
chương cuối của Phúc âm Gioan. Các nhà
chú giải cho rằng đây là cách viết độc đáo của Gioan để nói người môn đệ được Chúa
Giêsu yêu chính là tôi, độc giả đang đọc Phúc âm. Gioan cũng diễn tả đúng những gì của một người
đang yêu làm, đó là: rất nhạy bén về người mình yêu, rất mau mắn và sẵn sàng
làm mọi việc vì người yêu. Bài đọc hôm
nay, tác giả nói môn đệ yêu chạy ra mộ nhanh hơn Phê-rô và vào mộ sau Phê-rô,
nhưng lại là người hiểu chuyện hơn Phê-rô.
Tôi cảm thấy như thế nào khi tôi là người được Chúa Giêsu yêu thương đặc
biệt? Tôi có yêu Ngài cách đặc biệt hơn
những người khác và hơn những thứ khác không?
Lòng tôi có nhạy bén, có mau mắn, có luôn suy nghĩ về Ngài không? Tôi muốn ngồi đây trong giờ cầu nguyện này,
như một người môn đệ được Chúa Giêsu yêu và yêu Ngài đặc biệt. Tôi để ý lòng tôi đang muốn kết hiệp với Chúa
Giêsu Phục Sinh ra sao và hiểu Ngài đến mức nào. Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài
hát, “Hoan Ca Phục Sinh,” của Hùng Lân,
do Kiều Oanh trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=_39K_md7rT4
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment