Gioan 20:19-29
19Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng
kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và
nói: “Bình an cho anh em!” 20 Nói xong, Người cho các ông
xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại
nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng
sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và
bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội
cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
24Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không
ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói
với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu
đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay
vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau,
các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an
cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào
đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma
thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” 29 Đức
Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”
(Trích Phúc
âm Gioan,
bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Nếu tôi đọc bài đọc hôm nay trong bối cảnh và bầu
khí của Ngày Phục Sinh, tôi mới hiểu và cảm nhận được tâm trạng của các môn đệ xưa
kia. Ngay từ ngày thứ nhất trong tuần, họ
đi từ tâm trạng này qua tâm trạng khác, từ nỗi sợ này qua nỗi sợ khác, từ sự
hoang mang này đến hoang mang khác, từ niềm vui này đến niềm vui khác; chỗ này
người ta nói Chúa Giêsu đã sống lại, chỗ khác người ta nói người nào đó đã ăn
trộm xác Chúa Giêsu rồi, người này nói chính tôi đã tẩm liệm và chôn cất Ngài
kỹ lắm, người khác lại nói chính tôi đã gặp lại Chúa Giêsu và cùng ăn uống với Ngài... Có lẽ không một điều gì cần thiết cho bằng
những lúc ấy, đó là: Sự bình an. Chúa Giêsu
thấu hiểu nỗi lòng của mọi người lúc bấy giờ và Ngài đã chào chúc họ điều họ
đang cần: Bình an cho các con. Có phải
không, những lúc khó khăn, bị bách hại đủ đường, gặp hết tai ương này đến hiểm
họa nọ, bình an là điều tôi cần thiết nhất?
Thế giới quanh tôi, xứ đạo tôi, gia đình tôi, tâm hồn tôi có đang gặp
những khủng hoảng, chia rẽ và xáo trộn nào?
Tôi có thể cầu xin sự bình an của Chúa chăng? Tôi có thể bắt chước Chúa Giêsu trở thành sứ
giả hòa bình, đem bình an đến cho mọi người lúc này được không?
2. Nhiều người có một cái nhìn tiêu cực và sai lệch về Thánh Tô-ma, đặt cho ngài một cái tên xấu đó là: Ông thánh đa nghi! Tuy nhiên, Tô-ma chính là người đầu tiên đã cho cả Giáo hội bản tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con.” Chính Tô-ma đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật; sau ông, hai ngàn năm qua Giáo hội vẫn tuyên xưng niềm tin như ông. Tô-ma có được niềm tuyên xưng này là nhờ đâu? Nhờ chính kinh nghiệm cá vị, riêng tư và thân mật với Chúa Giêsu Phục Sinh. Đây là một điểm quan trọng nữa của bài đọc hôm nay. Niềm tin và lối sống đức tin của tôi sẽ không có tính thuyết phục nếu không có một tương quan, kinh nghiệm mang tính cá vị, riêng tư và thân mật với Chúa Giêsu Phục Sinh. Chính vì thế, giống như Tô-ma, giờ cầu nguyện của tôi phải đến từ lòng ao ước của tôi, muốn gặp gỡ riêng Chúa Giêsu Phục Sinh và trong cuộc gặp gỡ cầu nguyện rất riêng tư và thân mật ấy phải là, những giây phút chính tay tôi được thọc vào các vết thương của Ngài. Nếu không, niềm tin và đức tin của tôi chỉ là những ý tưởng mông lung, mộng mơ ở trên đầu, đến rồi đi như ánh sương ban mai, rất đẹp nhưng cũng tan biến nhanh chẳng để lại một dấu vết nào. Tôi muốn ở thật gần, thật riêng tư và thân mật với Chúa Giêsu Phục Sinh trong lúc này. Chính tôi phải kinh nghiệm trực tiếp về Chúa Giêsu Phục Sinh, chứ không nghe ai khác.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment