Luca 18:35-43
35Khi Đức Giê-su gần đến Giê-ri-khô, có một
người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường. 36 Nghe thấy đám
đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. 37 Họ báo cho
anh biết là Đức Giê-su Na-da-rét đang đi qua đó. 38 Anh
liền kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” 39 Những
người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi; nhưng anh càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con
vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” 40 Đức Giê-su dừng
lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã
đến gần, Người hỏi: 41 “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh
ta đáp: “Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.” 42 Đức
Giê-su nói: “Anh nhìn thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” 43 Lập
tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên
Chúa.
(Trích Phúc âm
Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Câu chuyện Chúa Giêsu
chữa người mù, trong bài đọc hôm nay, được ghi nhận ở cả ba Phúc âm Luca
(18:35-43), Mát-thêu (20:29-34) và Mác-cô (10:46-52). Tôi để ý cách sắp xếp câu chuyện này trong ba
phúc âm. Cả ba phúc âm đều đặt câu chuyện
này vào lúc Chúa Giêsu đang đi lên Gie-ru-sa-lem, nơi mà, cả ba phúc âm này đều
nói Ngài chỉ lên đó có một lần và bị giết ở đó.
Chi tiết này dường như các tác giả phúc âm muốn nói với tôi rằng, đây là
cơ hội cuối cùng cho anh mù này được gặp Chúa Giêsu. Hiểu như vậy tôi có thể hình dung anh mù này,
khi biết Chúa Giêsu đang đi qua gần chỗ anh, anh đã kêu xin Chúa Giêsu chữa cho
anh. Chắc chắn lời kêu ấy phải lớn lắm,
phải thống thiết lắm, khiến đám đông khó chịu, quát nạt và muốn anh ta phải im
miệng. Nhưng anh ta lại càng la to
hơn. Vì khao khát và kêu xin thống thiết
như vậy, anh đã gặp được Chúa Giêsu và được Ngài chữa lành cho anh. Những chi tiết này có thể làm tôi nhớ đến một
lời Kinh Thánh khác viết rằng: “Hãy tìm ĐỨC CHÚA khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc
Người ở kề bên” (Is 55:6). Tôi muốn lấy hình ảnh kêu cứu của anh mù trong
bài đọc hôm nay và suy niệm, trong giờ cầu nguyện này. Tôi có kinh nghiệm kêu cầu Chúa thống thiết
như anh mù không? Mỗi khi cần gì, tôi đã
thống thiết và thành tâm cầu xin Chúa ra sao?
Tôi có được mãn nguyện mỗi khi cầu nguyện? Có khi nào tôi đã thất vọng, vì chẳng cảm thấy
Chúa ban ơn? Tôi muốn nói chuyện với Chúa
Giêsu về những kinh nghiệm ấy, trong lúc này.
2. Tôi có gặp được Chúa, mỗi khi cầu nguyện không? Tôi tha thiết gặp Chúa đến mức nào? Câu chuyện anh mù dường như muốn nói với tôi
điều này: Điều kiện đầu tiên để được thấy không phải là lòng tin, mà là nhận
biết mình mù, nhận biết mình thiếu thốn.
Mỗi khi cầu nguyện mà chẳng gặp Chúa, có thể do tôi chưa tha thiết lắm,
bởi vì tôi không biết tôi mù, nên không cần Chúa. Trong phúc âm, có nhiều lần Chúa Giêsu đã trách
người ta rằng: Có mắt mà như mù; có nhìn mà chẳng thấy. Liệu Chúa Giêsu cũng trách tôi như vậy không?
Tôi có thật sự mù không? Mù đến mức nào? Cái gì đang làm cho tôi mù? Tôi muốn được sáng mắt không? Tôi trả lời với Chúa về những câu hỏi này. Tôi có thể xin cho được thấy những gì Chúa
đang muốn tôi phải thấy giữa cuộc sống quanh tôi, chẳng hạn như: sự thật về đại
dịch covid hiện nay, sự thật về bầu cử của Mỹ, về kỳ thị chủng tộc, về di dân
và tị nạn, về phá thai, về đồng tình luyến ái, về án tử hình, về buôn người, về
tham nhũng... Nên nhớ anh mù sau khi được
sáng mắt, đã đi theo Chúa Giêsu, tức là bỏ lối sống cũ. Tôi có kinh nghiệm được sáng mắt bao giờ chưa? Tôi có nhìn mọi sự trên bằng con mắt mới
chưa, có một lối sống mới chưa, hay được sáng mắt mà vẫn ở hoặc thích ở trong lối
sống cũ?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment