Tuesday, November 24, 2020

Thứ Tư Tuần XXXIV Thường Niên – Năm A – 25-11-2020 – Lễ Thánh Catherine Thành Alexandrea, Đồng Trinh Tử Đạo

Thu Tu 34 TN

Luca 21:12-19

12Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. 13 Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. 14 Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. 15 Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. 16 Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp.  Họ sẽ giết một số người trong anh em. 17 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. 18 Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. 19 Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay, trích từ Phúc âm Luca, nghe cũng gần giống bài đọc hôm qua, trích từ Phúc âm Mát-thêu, nói về sự bách hại sẽ xảy đến trong giáo hội.  Không chỉ hai phúc âm này, mà Phúc âm Mác-cô và Phúc âm Gioan, cũng như toàn bộ Tân Ước đều có rất nhiều những lời cảnh báo và ghi nhận về biết bao nhiêu cuộc bách hại đã xảy ra với giáo hội.  Như vậy, sự bách hại đạo đã gắn liền với Kitô giáo; không thể sống đức tin mà không bị bách hại và chống đối.  Người ta chống đối Kitô giáo không phải vì những giáo lý sai, bởi cốt lõi của Kitô giáo là tuyên xưng một Thiên Chúa đầy yêu thương đã đến trong cuộc đời này, dạy cho người ta biết yêu thương nhau, yêu thương cả những kẻ giết hại mình.  Người ta chống đối giáo hội chỉ bởi những giáo lý đúng!  Chính vì những giáo lý đúng mà Kitô giáo trở thành một cái gai trong mắt mọi người.  Giáo lý dạy tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, trong khi đó cuộc đời dạy người ta vái tứ phương, tôn sùng lãnh đạo.  Giáo lý dạy một vợ một chồng, người ta cho đây là tà đạo, vì đi ngược với văn hóa truyền thống đa thê.  Giáo lý dạy người ta ăn ngay ở lành, thương người như thể thương thân, người ta cho là đạo dạy ngu, bởi triết lý cuộc đời là lấy mạnh thắng yếu.  Giáo lý dạy sống công bằng liêm chính, nhưng lòng người tham vô đáy, chuộng tham nhũng hối lộ và vì thế giáo hội là cái gai trong mắt họ.  Giáo lý dạy đón tiếp người di dân và tị nạn, người nghèo khó cơ bần, người già yếu cô thân cô thế, nhưng lòng người ích kỷ chỉ muốn vun quén cho mình nên cho rằng giáo hội mị dân.  Giáo lý dạy người ta phải tu thân sửa mình, nhưng người nào cũng sợ thay đổi.  Giáo lý dạy mọi người sống tinh thần nghèo khó, cuộc đời lại cổ võ: thành công là đạp lên đầu lên cổ người khác mà tiến…  Chính vì những giáo lý này mà giáo hội không ngừng bị bắt bớ, vu khống, hiểu lầm và giết hại.  Tôi thuộc về thế giới nào: Thiên Chúa hay trần thế?  Tôi có cảm thấy sống đức tin khó không?  Tôi đang bị chao đảo hay thách đố nào khi sống và diễn tả đức tin trong gia đình, nơi sở làm, nơi học đường và chợ đời?

2.    Chúa Giêsu cảnh báo sống đức tin không dễ chút nào, tôi sẽ bị bắt bớ, vu khống và hãm hại không chỉ từ những người xa lạ, nhưng có thể từ chính những người thân thích trong gia đình và bạn bè của tôi.  Tôi có thể muốn đi lễ, muốn đi tĩnh tâm, nhưng người phối ngẫu của tôi lại cấm cản.  Tôi có thể muốn sống công chính, nhưng người thân của tôi lại sống gian lận, lừa lọc.  Tôi cảm thấy khó để giữ mình liêm chính không; hay, khi cả thế giới lưng còng, một mình thẳng lại sợ trở thành dị hợm?  Tôi nói chuyện với Chúa về những thách đố đức tin mà tôi đang phải đối diện.  Tôi đọc lại những lời cảnh báo của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay để được vững tin hơn.          

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment