Wednesday, November 18, 2020

Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên – Năm A – 19-11-2020

Thu Năm 33 TN 

Luca 19:41-44

41Khi ấy, Đức Giê-su đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, thì khóc thương 42 mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi!  Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. 43 Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. 44 Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Nhiều người thích đọc bài đọc hôm nay như một lời tiên báo của Chúa Giêsu về thời giờ đền thờ Giê-ru-sa-lem, bằng gạch đá, sẽ bị thiêu hủy.  Vì quả thực, 40 năm sau khi Chúa Giêsu nói những lời này, tức là khoảng năm 70, người Do-thái tại Giê-ru-sa-lem đã nổi lên chống lại sự đô hộ của người La-mã, nhưng đã bị Titus, con trai của Hoàng đế Vespasian, đánh bại trong một cuộc chiến khốc liệt, khiến cho sáu trăm ngàn người Do-thái bị đổ máu, và Titus đã thiêu hủy đền thờ Giê-ru-sa-lem, đến mức chẳng còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào.  Chẳng biết có phải Chúa Giêsu đã tiên báo về sự điêu tàn của đền thờ Giê-ru-sa-lem bằng gạch đá không, hay Ngài đang nói đến sự điêu tàn của đền thờ tâm hồn con người?  Giê-ru-sa-lem ở miền Địa trung hải hai ngàn năm trước, chắc chắn chẳng liên quan hay quan trọng gì với tôi trong giờ cầu nguyện này.  Có lẽ, giờ cầu nguyện hôm nay tôi phải hỏi:  Đối với tôi, đâu là Giê-ru-sa-lem của tôi?  Giê-ru-sa-lem ấy bây giờ như thế nào và tôi có thể làm gì để cứu vãn Giê-ru-sa-lem ấy?  Tôi muốn xin Chúa giúp tôi nhận ra những gì Chúa Giêsu đang nói về Giê-ru-sa-lem của tôi trong tương lai, để sửa đổi, để cứu vãn. 

2.      Đối với người Do-thái, Đền thờ Giê-ru-sa-lem là rất quan trọng, vì nó là trung tâm thờ phượng chính của họ và được xây dựng bằng công khó của toàn dân.  Đối với người Công giáo, Đền thờ Thánh Phê-rô, nơi Đức Giáo Hoàng gặp gỡ các Kito hữu hằng tuần, là một đền thờ rất quan trọng, rất lớn và rất tráng lệ.  Đối với tôi, nhà thờ giáo xứ của tôi có thể là một nơi rất quan trọng, vì nó là nơi mà hằng tuần mọi người trong giáo xứ của tôi cùng tập trung để thờ phượng Chúa, và cử hành các bí tích.  Tất cả mọi đền thờ và nhà thờ dù lớn đến đâu, tráng lệ đến mấy, quan trọng đến chừng nào, nhưng cũng sẽ có ngày sẽ bị tàn lụi đến chẳng còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào.  Bên cạnh đền thờ và nhà thờ bằng gạch đá, tôi còn có một đền thờ trang trọng, quý giá và bền lâu đó là đền thờ tâm hồn tôi, nơi Chúa ẩn mình sâu kín và trong mọi lúc.  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn xem bao nhiêu nay, tôi đã nỗ lực xây dựng và bảo trì nhà thờ gạch đá trong Giáo hội, tôi đã xây dựng và bảo trì nhà thờ tâm hồn tôi như thế nào?  Tôi đã năng trở vào tâm hồn tôi để tôn thờ và trò chuyện với Chúa mỗi ngày như thế nào?  Liệu nhà thờ tâm hồn tôi có đang dột nát hay hư hại gì không?  Có điều gì đang làm cho đền thờ tôi trở nên nhơ uế không?       

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment