Sunday, November 1, 2020

Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên – Năm A – 2-11-2020 – Lễ Kính Các Tín Hữu Đã Qua Đời

Thu Hai 31 TN 

Gióp 19:1, 23-27a

1Bấy giờ, ông Gióp lên tiếng nói: 23“Ôi, những lời tôi nói đây, phải chi có người chép lại, phải chi có người ghi vào sách, 24có người đục bằng sắt, trám bằng chì, tạc vào đá cho đến muôn đời! 25Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. 26Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, thì với tấm thân này, tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa. 27aChính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ.”

(Trích Sách Gióp, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.    Bài đọc hôm nay trích từ Sách Ông Gióp, một quyển sách lâu đời nhất trong Bộ Kinh Thánh Kito Giáo, 2000 năm T.C.N.  Trong bài đọc hôm nay, Gióp xác quyết mạnh mẽ sự sống trong thân xác này chỉ là tạm bợ, một ngày kia nó sẽ mục rữa và tan biến đi, nhưng mọi người sẽ không vĩnh viễn mất đi, mà tồn tại vĩnh hằng trong Thiên Chúa.  Niềm tin này ông mong: “ghi vào sách, đục bằng sắt, trám bằng chì, và tạc vào đá cho đến muôn đời!”  Ông tin chắc rằng, một ngày nào đó ông sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa, như một người thân và không phải là người xa lạ!  Tôi tin vào sự phục sinh và cuộc sống vĩnh cửu như thế nào?  Niềm tin ấy có mạnh mẽ như niềm tin của ông Gióp không?  Niềm tin ấy ảnh hưởng đến đời sống hiện tại của tôi ra sao về: cách kiếm sống hằng ngày, tương quan với Thiên Chúa và mọi người, tình yêu, sự tha thứ và niềm hy vọng?

2.   Hôm nay Giáo hội kính nhớ tất cả mọi tín hữu đã qua đời.  Trước hết, ý nghĩa của ngày lễ này rất quan trọng, vì nó khẳng định một điều: Chết không phải là hết.  Cái chết không phải là tiếng nói cuối cùng.  Kế đến, ý nghĩa của ngày lễ còn giúp tôi nhớ vệ cội nguồn tổ tiên của tôi.  Sự chết lấy họ đi khỏi cuộc đời tôi, nhưng họ vẫn tồn tại trong Chúa và bên cạnh tôi.  Như vậy, sự phục sinh và sự sống trong Thiên Chúa mới là tiếng nói cuối cùng.  Như vậy, cuộc sống hiện tại của tôi mới có ý nghĩa, một sự chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh hằng.  Nếu Gióp nói, một ngày kia con người sẽ được gặp Chúa, không phải là người xa lạ, vậy điều này có nghĩa là tôi cần phải làm quen với Thiên Chúa ngay bây giờ, ngay trong cuộc đời này.  Tôi muốn dành một thời gian nhất định trong ngày để nói chuyện với Thiên Chúa, làm quen với Ngài mỗi ngày.  Tôi muốn bắt đầu nói chuyện với Thiên Chúa từ giây phút này; sau đó tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Sự Sống Thay Đổi Mà Không Mất Đi,” qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=FkbIC3gInRk

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment