Tuesday, November 10, 2020

Thứ Tư Tuần XXXII Thường Niên – Năm A – 11-11-2020 – Lễ Thánh Martin of Tours

Thu Tu 32 TN 

Luca 17:11-19

11Khi ấy, trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. 12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người.  Họ dừng lại đằng xa 13 và kêu lớn tiếng: “Lạy thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!” 14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. 15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn.  Anh ta lại là người Sa-ma-ri. 17 Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao?  Thế thì chín người kia đâu? 18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” 19 Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi!  Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”

(Trích Phúc âm Luca Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một trong những câu chuyện nổi tiếng của Phúc âm Luca nói về mười người phong hủi được Chúa Giêsu chữa lành.  Trong mười người phong hủi được chữa lành, Luca nhấn mạnh rằng, chỉ một người trở lại cám ơn Chúa Giêsu, còn chín người kia thì không.  Trong quan sát đầy ngạc nhiên của Chúa Giêsu: Anh ta LẠI là người Sa-ma-ri,” Luca dường như muốn cho tối thấy hai điều: Thứ nhất, chín người kia không phải là người Sa-ma-ri mà là người Do-thái; thứ hai, người Sa-ma-ri vốn bị người Do-thái xem là dân ngoại, chẳng biết gì Thiên Chúa, không xứng đáng được thừa hưởng ơn Chúa, và bị ví ngang hàng với súc vật, ấy vậy mà họ lại biết ơn Thiên Chúa; trong khi đó, những người Do-thái được xem là dân riêng của Chúa, biết Thiên Chúa vậy mà không có lòng biết ơn.  Ghi nhận này của Luca đáng cho tôi suy niệm trong giờ cầu nguyện này.  Trong giây phút này tôi muốn xem lại lòng biết ơn quan trọng như thế nào trong cuộc sống.  Tôi đã sống, và dạy người khác về lòng biết ơn Thiên Chúa và mọi người như thế nào?  Mỗi ngày mới bắt đầu, mỗi ngày đi qua, tôi đã sống biết ơn Thiên Chúa như thế nào?  Nghĩa cử biết ơn của tôi gần đây nhất với Chúa và với một người nào đó là khi nào?  Tôi cảm thấy lòng biết ơn của tôi đã cho tôi và mọi người cảm nghiệm một sự biến đổi như thế nào?

2.      Một chi tiết nữa từ bài đọc hôm nay cũng đáng cho tôi suy ngẫm trong giờ cầu nguyện này, đó là: tình người.  Mười người phong hủi, dù họ là Do-thái hay Sa-ma-ri nhưng đã có thể sống chung với nhau khi còn cơ hàn, đau khổ, không có sự phân biệt giữa họ về niềm tin, xã hội, và văn hóa.  Ấy vậy mà khi khỏe mạnh, lại có hẳn một lành ranh rõ ràng giữa người Do-thái và Sa-ma-ri, giữa Dân Chúa và Dân Ngoại.  Tôi suy nghĩ gì về điều này?  Tôi có kinh nghiệm như vậy bao giờ chưa?  Tôi nghĩ Chúa nghĩ sao về điều này?  Ngài mời gọi tôi làm gì, thay đổi gì để cuộc sống không còn sự chia cách giữa tôi với những người không cùng niềm tin, văn hóa, giai cấp, di dân, tị nạn, chủng tộc, mầu da và khuynh hướng tính dục?  Tôi nói với Chúa Giêsu về những khó khăn trong tôi không thể hòa hợp với những dị biệt trong cuộc sống và để ý Ngài nói gì với tôi.  1.      Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Nếu Chỉ Còn Một Ngày Để Sống,” của Hoài An, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=76ZyPQMli3Y

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment