Wednesday, November 25, 2020

Thứ Năm Tuần XXXIV Thường Niên – Năm A – 26-11-2020 – Lễ Tạ Ơn Tại Hoa Kỳ

Thu Nam 34 TN

Luca 17:11-19

11 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. 12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người.  Họ dừng lại đằng xa13 và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!"14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế."  Đang khi đi thì họ được sạch. 15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn.  Anh ta lại là người Sa-ma-ri. 17 Đức Giê-su mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao?  Thế thì chín người kia đâu? 18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?" 19 Rồi Người nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh."

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Ngày Lễ Tạ Ơn ở Hoa Kỳ, năm nào Giáo hội Hoa Kỳ cũng dùng bài đọc này cho ngày lễ.  Bài đọc có thể rất quen thuộc với tôi.  Chúa Giêsu chữa lành cho mười người bị phong cùi, nhưng chỉ một người dân ngoại trởi lại tôn vinh và cảm tạ Ngài.  Chúa Giêsu thất vọng về sự vô ơn của chín người, vốn được gọi là “con nhà có đạo”!  Hôm nay là Lễ Tạ Ơn tại Hoa Kỳ, và cũng là thời điểm gần cuối năm khắp nơi trên thế giới, tôi muốn nhìn lại cả năm qua: Đâu là những ân huệ Chúa đã ban cho tôi trong cả năm qua?  Tôi đã sử dụng chúng như thế nào?  Tôi muốn cám ơn Chúa và diễn tả lòng biết ơn của tôi đối với Chúa một cách cụ thể ra sao?

2.      Có lẽ đối với bất kỳ văn hóa nào, “Biết Ơn” là bài học đầu tiên mà mọi người đã được dạy từ những ngày bập bẹ biết nói.  Chính vì thế mà người Việt cũng như người Tây đều kinh tởm những ai “vô ơn”.  Bởi hai chữ vô ơn như thể diễn tả trọn vẹn về một ai đó chưa thành nhân, ở dưới cấp của con người, thậm chí không bằng con vật nữa.  Nói về lòng biết ơn, người Việt Nam có rất nhiều chữ để diễn tả lòng biết ơn, chẳng hạn như: cám ơn, trả ơn, biết ơn, mang ơn, ghi ơn, tri ân, đội ơn.  Trong khi đó, văn hóa Tây Phương, hai chữ “cám ơn” là hai chữ luôn ở trên môi miệng mọi người.  Người Tây nói cám ơn luôn miệng.  Họ không chỉ cám ơn bằng miệng, họ còn có thiệp cám ơn, sổ ghi ơn, bằng ghi ơn, bảng ghi ơn.  Hằng năm, họ còn có những tiệc biết ơn.  Đặc biệt họ có ngày hôm nay, Ngày Tạ Ơn, không chỉ để tôi cám ơn Chúa, nhưng còn là dịp để tôi cám ơn mọi người nữa.  Vậy, hôm nay tôi biết ơn cuộc đời nhất ở điểm nào?  Tôi biết ơn Giáo hội nhất ở điều gì?  Tôi biết ơn tổ quốc nhất ở biến cố nào?  Tôi biết ơn gia đình ở những nghĩa cử nào?  Tôi biết ơn ai nhất trong năm nay?  Tôi biết ơn ai nhất trong ngày hôm nay?  Tôi biết ơn điều gì nhất trong lúc này?  Trong thời đại dịch hiện nay, tôi cũng muốn biết ơn các nhà khoa học đang nỗ lực tìm ra chủng ngừa, biết ơn các bác sĩ và y tá cùng những người lao công đã luôn đi tuyến đầu, giúp cho cuộc sống quanh tôi được sạch sẽ và cho tôi có sức khỏe tốt.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng một lời cầu nguyện cho tất cả những người và những gì mà tôi biết ơn.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện bằng bài hát: “Khúc Cảm Tạ,” của Mai Nguyên Vũ, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=tEjoX4bQ5Jg

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment