Friday, November 13, 2020

Thứ Bảy Tuần XXXII Thường Niên – Năm A – 14-11-2020

Thu Bay 32 TN

Luca 18:1-8

1Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. 2 Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan toà.  Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. 3 Trong thành đó, cũng có một bà goá.  Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: ‘Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.’ 4 Một thời gian khá lâu, ông không chịu.  Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, 5 nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc’.” 6 Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! 7 Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?  Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? 8 Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ.  Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một du ngôn Chúa Giêsu kể, để dạy các môn đệ về cầu nguyện.  Dụ ngôn nêu lên hai điều kiện quan trọng trong cầu nguyện: Thứ nhất, cầu nguyện phải kiên trì.  Như vậy, nhân vật tôi cần chú ý trong dụ ngôn này là: bà góa, chứ không phải viên quan tòa.  Giờ cầu nguyện này, tôi muốn hình dung hình ảnh bà góa đi khiếu nại với quan tòa.  Trong xã hội và tôn giáo Do-thái, nữ giới không có một quyền gì, vì thế góa bụa rất dễ dàng đẩy họ vào tình trạng nghèo.  Họ không được đứng tên sở hữu nhà cửa và ruộng đất.  Họ không được đi đâu một mình, luôn phải có người đàn ông khác hoặc con trai đi theo.  Bà đến cửa quan để kêu oan vì bà đang bị đối phương làm hại.  Trong xã hội phụ hệ và đầy bất công ấy, nếu bà là người nghèo và vô danh tiểu tốt, nếu người hại bà là một người đàn ông, nếu người hại bà là người quyền thế, giầu có, có họ với quan tòa, chắc chắn lời kêu oan của bà sẽ rất khó được cứu xét và xử một cách công bằng.  Dẫu thế nào, dụ ngôn kể rõ, bà đã kêu oan nhiều lần, và đã kêu oan một thời gian dài.  Để lời kêu oan của bà được chú ý và cứu xét, bà đã làm đủ mọi cách kêu gào sự chú ý của quan tòa, đến nỗi ông ta cảm thấy “nhức đầu nhức óc.”  Như vậy chứng tỏ, dù bà đang khốn cùng, nhưng bà không tuyệt vọng.  Tôi cầu nguyện như thế nào?  Tôi đã cầu nguyện khác nhau như thế nào giữa lúc cuộc sống an nhàn đầy đủ và giữa lúc cuộc sống đầy bất an, đau khổ và áp bức?  Tôi cầu nnguyện tha thiết và hết mình như thế nào?  Trung thành cầu nguyện đã mang đến cho tôi những hoa trái nào?  Có khi nào tôi bỏ cuộc, thất vọng về Thiên Chúa khi cầu nguyện không?  Tôi tâm sự với Chúa về đời sống cầu nguyện của tôi. 

2.      Thứ hai, cầu nguyện là phải tin.  Không tin không thể cầu nguyện.  Không tin, cầu nguyện chỉ là chuyện vớ vẩn, ngớ ngẩn, vô nghĩa và mất thì giờ.  Không tin, cầu nguyện chỉ là một việc làm đầy mê tín dị đoan.  Tôi để ý niềm tin của tôi hiện nay như thế nào.  Niềm tin ấy giúp tôi cầu nguyện ra sao?  Mỗi khi cầu nguyện tôi đã cầu nguyện với tất cả sự xác tín, tin tưởng một cách mãnh liệt vào Chúa, hay việc cầu nguyện của tôi chỉ là một việc làm qua loa và làm vì luật buộc?  Đời sống cầu nguyện mỗi ngày của tôi như thế nào, ưu tiên ra sao và với mục đích gì?  Tôi nói chuyện thật lòng với Chúa về đời sống cầu nguyện của tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment