Saturday, September 26, 2020

Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên – Năm A – 27-9-2020

 

CN 26 TN

Phi-líp-phê 2:1-11

1Thưa anh em, nếu quả thật sự liên kết với Đức Ki-tô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, 2 thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. 3 Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. 4 Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. 5 Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su. 6 Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, 7nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. 8 Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. 9 Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. 10 Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ ; 11và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”.

(Trích Sách Giảng Viên, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Những lời của Phao-lô gởi cho Cộng đoàn Phi-líp-phê năm xưa vẫn còn thích hợp cho cộng đoàn, gia đình của tôi hôm nay.  Trong đó, Phao-lô chỉ ra những dấu chỉ của một tập thể và cá nhân có Chúa Kitô, đó là: sự tâm đầu ý hợp của mọi thành viên, liên kết với nhau trong cùng một Thần Khí, cùng yêu thương nhau và đem đến cho nhau những niềm vui, sự thân tình và sự cảm thông.  Đời sống của cộng đoàn, của gia đình tôi và đặc biệt là của tôi đang có những dấu chỉ nào nói lên sự hiện diện của Chúa Kitô lúc này?  Tôi lấy giờ cầu nguyện này mà kiểm điểm và cầu xin một sự hoán cải tận căn trong tôi, gia đình và cộng đoàn của tôi.

2.      Phao-lô cũng chỉ ra cách thức đúng nhất tạo nên sự liên kết trong cộng đoàn đó là, tinh thần phục vụ lẫn nhau theo gương Chúa Kitô: khiêm nhường, không tìm tư lợi, và không kể mình là hơn người.  Tôi đọc lại cách thức Chúa Kitô khiêm nhường, tự hạ chính mình như thế nào và bắt chước Ngài.  Hy vọng mỗi ngày tôi trở nên giống Chúa Kitô hơn.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment