Luca 8:1-3
1Khi ấy, Đức Giê-su rảo qua các thành phố,
làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai 2và
mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la,
người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, 3bà Gio-an-na, vợ ông
Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức
Giê-su và các môn đệ.
(Trích Phúc âm Luca
bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi
ý cầu nguyện
1. Phúc âm Luca có nhiều tên gọi: Phúc
âm của cầu nguyện; Phúc âm của lòng thương xót Chúa; Phúc âm về Chúa Thánh Thần;
Phúc âm của công bằng xã hội, và Phúc âm của nữ giới. Phúc âm Luca được gọi là Phúc âm của nữ giới
bởi trong đó, nữ giới được ghi nhận và có một chỗ đứng đặt biệt. Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể hình dung sự
hiện diện của họ, không thể bỏ qua, trong những người theo Chúa. Có một số đông những người nữ đã theo Chúa Giêsu
và Giáo hội, trải qua chiều dài của dòng lịch sử Giáo hội từ ban đầu cho đến
ngày nay, họ vẫn chiếm một số đông trong mọi sinh hoạt của Giáo hội, cụ thể
trong Thánh lễ hằng ngày. Họ cũng là
những người quảng đại và hiếu khách từ thời Chúa Giêsu cho đến hôm nay. Điều gì đã khiến họ thật quảng đại và hiếu
khách như vậy? Nhìn gương sáng và đời
sống của họ, tôi được thôi thúc làm gì cho Chúa và Giáo hội hôm nay?
2. Nữ giới đóng một vai trò rất quan trọng trong thế giới và trong Giáo hội,
ở mọi thời đại. Họ không chỉ chiếm một
nửa dân số thế giới, nhưng đặc biệt hơn, họ luôn là những người đầu tiên dạy
cho người ta biết về Chúa. Họ đã là những người đầu tiên loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Họ luôn là
những người đã duy trì và bảo vệ đức tin trong Giáo hội, đặc biệt vào những
thời kỳ cấm đạo. Ấy vậy mà, họ đã không
được tôn trọng như nam giới, từ xưa cho đến nay. Ấy vậy mà, công lao của họ thường đã bị lãng
quên, hoặc đã không được nhìn nhận và biết ơn. Trong giây phút này, tôi muốn cầu nguyện cho sự
bình đẳng nam nữ trong Giáo hội và xã hội.
Tôi muốn cầu nguyện cho những người bà, người mẹ và các nữ tu đã luôn
sáng tạo và không mệt mỏi giới thiệu đức tin cho tôi và thế giới suốt hai mươi thế kỷ qua. Tôi muốn cầu nguyện cho những người nữ đang bị kỳ thị, đối xử bất công, nạn nhân của bạo hành trong gia đình, và nạn nhân của tình trạng buôn người và mãi dâm trên thế giới hiện nay.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment